• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường chứng khoán ngày 28/1/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

Cổ phiếu CTD chạm sàn sau tin Coteccons lỗ 120 tỷ quý IV/2021; HAG xin được thử thách để không bị hủy niêm yết bắt buộc; Dabaco lãi quý IV xuống thấp nhất 2 năm;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 28/1/2022.

HAG xin được thử thách để không bị hủy niêm yết bắt buộc: Ngày 25/11/2021, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) đã có văn bản số 2511/CV-HAGL về việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính và khiến lợi nhuận sau thuế các năm 2017, 2018 và 2019 đều là số âm. Theo nguyên tắc thì doanh nghiệp bị thua lỗ 3 năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc tại HoSE. Điều này gây lo lắng cho cổ đông HAGL về việc cổ phiếu có thể bị xem xét có còn đủ điều kiện niêm yết hay không. Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 26/11/2021, cổ đông HAG đã bàn bạc rất kỹ vấn đề này và thống nhất ghi vào biên bản họp thể hiện nguyện vọng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì việc niêm yết cổ phiếu. Trên cơ sở đó HAG xin kiến nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và HOSE xem xét đến tình hình công ty hiện tại để duy trì niêm yết…

4421-bau-duc

HAG xin kiến nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và HOSE xem xét đến tình hình công ty hiện tại để duy trì niêm yết. Hình minh họa

Cổ phiếu CTD chạm sàn sau tin Coteccons lỗ 120 tỷ quý IV/2021: Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) tiếp tục ghi nhận một quý kinh doanh ảm đạm. Doanh thu thuần quý IV giảm 31% còn 2.918 tỷ đồng do giảm mạnh nguồn thu từ hợp đồng xây dựng. Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp đã giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước xuống còn gần 184 tỷ đồng và chiếm tỷ lệ lớn nhất trong cơ cấu chi phí. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 120 tỷ đồng trong quý IV… Cả năm 2021, Coteccons đạt 9.087 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi ròng hơn 24 tỷ đồng; giảm lần lượt gần 36% và 93% so với năm 2020. Biên lợi nhuận gộp năm 2021 là 2,95% trong khi năm 2020 gần 5,88%. Biên lợi nhuận ròng năm qua chưa được 0,27% (năm 2020 gần 2,3%)… Sau thông tin lỗ đậm trong quý IV/2021, cổ phiếu đã giảm hơn 5,5% còn 102.700 đồng/cp (chốt phiên 27/1). Tuy nhiên, mức giá này vẫn cao hơn gấp rưỡi so với cuối tháng 11/2021.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng 203 tỷ đồng trong phiên 27/1: Khối ngoại vẫn giao dịch theo chiều hướng tích cực khi mua vào 47 triệu cổ phiếu, trị giá 1.818 tỷ đồng, trong khi bán ra 37,5 triệu cổ phiếu, trị giá 1.615 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức 9,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 203 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị giảm 55% so với phiên trước và đạt 144 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 7,6 triệu cổ phiếu. LPB được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 108 tỷ đồng. Một cổ phiếu ngân hàng khác là TPB cũng được mua ròng mạnh với 92 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, VIC bị bán ròng mạnh nhất với 122 tỷ đồng. KBC và VCB đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 94 tỷ đồng và 62 tỷ đồng.

API triển khai phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 120%: HĐQT Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: API) vừa thông qua triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Theo đó, API dự kiến phát hành hơn 45,8 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 120%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 120 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu phát hành này không bị hạn chế chuyển nhượng. Nguồn vốn phát hành đến từ từ thặng dư vốn cổ phần (135,5 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (321,7 tỷ đồng) và quỹ đầu tư phát triển (1,3 tỷ đồng) căn cứ theo BCTC kiểm toán công ty mẹ năm 2021. Thời gian phát hành dự kiến trong năm nay. Như vậy, vốn điều lệ sau khi thưởng cổ phiếu sẽ gấp đôi lên hơn 840 tỷ đồng.

Tự doanh VPS lỗ gần 600 tỷ đồng trong năm 2021: Chứng khoán VPS tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ở mảng môi giới và cho vay margin trong năm qua. Doanh thu môi giới của Công ty đạt hơn 3.100 tỷ đồng, gấp gần 5 lần năm trước. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu cũng tăng hơn 200% so với cùng kỳ, đạt hơn 964 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tư vấn gấp đôi năm trước, đạt hơn 393 tỷ đồng. Đáng chú ý, mảng tự doanh của VPS lỗ gần 600 tỷ đồng trong năm 2020, do khoản lỗ FVTPL và chi phí tự doanh lớn. Cụ thể, năm 2021, Công ty ghi nhận khoản lỗ hơn 4.700 tỷ đồng từ bán trái phiếu chưa niêm yết và 108 tỷ đồng lỗ bán công cụ thị trường tiền tệ. Lãi thu từ bán hai loại tài sản này trong năm là 3.300 tỷ đồng và 177,8 tỷ đồng, không đủ để bù lỗ. Năm trước, tự doanh VPS lãi hơn 306 tỷ đồng.

Dabaco lãi quý IV xuống thấp nhất 2 năm: Theo BCTC hợp nhất quý IV/2021, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) đạt 3.060 tỷ đồng doanh thu và 111,6 tỷ đồng lãi sau thuế; lần lượt tăng 7% và giảm 58% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù doanh thu tiếp tục tăng nhưng lợi nhuận Dabaco giảm dần trong 3 quý gần đây, riêng quý IV này là mức thấp nhất tính từ quý cuối năm 2019. Lũy kế năm 2021, doanh thu đạt 10.813 tỷ đồng, tăng 8% và thực hiện 70% kế hoạch. Song giá vốn tăng nhiều hơn nên lãi gôp giảm 28% về 1.853 tỷ đồng. Trong năm qua, chi phí tài chính giảm do lãi vay thấp hơn cùng kỳ, các chi phí hoạt động tăng nhẹ so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận khác gấp gần 10 lần lên hơn 45 tỷ đồng do ghi nhận gần 43 tỷ đồng phế liệu thanh lý và các khoản khác. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 41% về 830 tỷ đồng, hoàn thành 100% chỉ tiêu năm.

Tuệ An

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...