Thị trường chứng khoán ngày 24/1/2022: Thông tin trước giờ mở cửa
Không hạ lô giao dịch chứng khoán về 10 cổ phiếu; Nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị thận trọng giải ngân; Chứng khoán chuẩn bị đón một 'con sóng' mới vào quý II;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 24/1/2022.
Nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị thận trọng giải ngân: Nhận định về chứng khoán tuần cuối cùng năm Tân Sửu, trước khi thị trường nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc và thận trọng giải ngân khi thị trường chưa có nhiều điểm sáng. Dưới góc nhìn kỹ thuật, CTCP Chứng khoán BOS cho biết, các chỉ báo đều cho thấy những tín hiệu giảm điểm. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu, chưa tham gia bắt đáy khi rủi ro thị trường vẫn ở mức cao. CTCP Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết, tâm lý nghỉ Tết đã xuất hiện trong tuần giao dịch qua, thể hiện qua việc thanh khoản trong tuần suy giảm khá rõ nét với chỉ gần 27.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn… Trong khi đó, vẫn có công ty cho rằng, diễn biến trước Tết thường kém tích cực nhưng sau Tết sẽ tích cực trở lại, vì vậy đây có thể là cơ hội cho nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng.
Chứng khoán chuẩn bị đón một 'con sóng' mới vào quý II: "Nhà đầu tư cần lưu ý giai đoạn tháng 3, việc thực hiện tái cơ cấu ETF và Fed tăng lãi suất có thể khiến thị trường chứng kiến những nhịp giảm mạnh. Đó chính là cơ hội chúng ta mua vào để đón "con sóng" tăng trưởng mới vào khoảng quý II/2022". Đó là góc nhìn của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu Khách hàng cá nhân MBS đưa ra trong buổi Talk với chủ đề "Vững vàng đi lên: Cơ hội thị trường khi kinh tế hồi phục". Theo đánh giá của ông Sơn, những yếu tố vĩ mô tích cực vẫn đang ủng hộ đà tăng trưởng của chứng khoán trong năm 2022. Tuy vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi Fed có thể thực hiện tăng lãi suất trong thời gian tới, song chuyên gia vẫn giữ quan điểm thị trường sẽ không bị tác động quá nhiều bởi điều này…
Một doanh nghiệp BĐS lãi trăm tỷ từ đầu tư chứng khoán: CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (Mã: NDN) vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2021 với doanh thu thuần đạt hơn 72 tỷ đồng, giảm 58% và LNST đạt hơn 21 tỷ đồng, giảm gần 68% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở hoạt động tài chính, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thu tài chính không có nhiều biến động, đạt hơn 35 tỷ đồng. Các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm. Song, chi phí tài chính ghi nhận tăng mạnh từ hơn 7 tỷ đồng lên hơn 31 tỷ đồng… Lũy kế cả năm 2021, Nhà Đà Nẵng đạt hơn 509 tỷ đồng doanh thu, giảm 41% so với cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản giảm đáng kể (từ 685 tỷ đồng năm ngoái xuống còn hơn 436 tỷ đồng). Trong khi đó, doanh thu tài chính của công ty ghi nhận tăng 66% lên hơn 206 tỷ đồng, chủ yếu do lãi từ đầu tư chứng khoán (hơn 139 tỷ đồng), cùng kỳ năm ngoái chỉ lãi hơn 22 tỷ đồng.
Không hạ lô giao dịch chứng khoán về 10 cổ phiếu: Dẫn nguồn VnExpress, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, "hầu hết thị trường chứng khoán trên thế giới không áp dụng lô 10 cổ phiếu". Bộ Tài chính đánh giá việc quay trở lại lô 10 không phù hợp với phổ thông. Để hướng theo chuẩn thế giới, Việt Nam nên đi theo hướng hiện tại - là áp dụng lô 100 cổ phiếu, ông nói. Thứ trưởng cho biết không hạ về giao dịch tối thiểu lô 10 cổ phiếu nhưng "sẽ có cơ chế để nhà đầu tư bán được lô lẻ cổ phiếu đang nắm giữ". Tại chỉ đạo trước đó vào tháng 7/2021, Bộ Tài chính yêu cầu giảm về lô 10 sau khi giải quyết được tình trạng nghẽn lệnh nhờ vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán mới trên Sở giao dịch chứng khoán (HoSE). Lãnh đạo Bộ Tài chính năm ngoái chỉ đạo "HoSE báo cáo việc áp dụng giao dịch lô tối thiểu 10 cổ phiếu như trước để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư".
Nhà đầu tư vẫn để sẵn hơn 92.500 tỷ đồng tại công ty chứng khoán: Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), cá nhân trong nước mở mới tổng cộng 5763.556 tài khoản chứng khoán trong quý IV, tăng 72% so với quý trước đó. Riêng trong tháng 12, lượng mở mới lập kỷ lục với 226.580 đơn vị, tăng 2,6% so với tháng 11. Việc nhà đầu tư mới tích cực nhập cuộc đã khiến dư nợ margin tại các công ty chứng khoán liên tục lập kỷ lục trong các quý. Thống kê các công ty chứng khoán đứng đầu về dư nợ cho vay (bao gồm cho vay margin và ứng trước) tiếp tục lập kỷ lục với trên 194.000 tỷ đồng tại 31/12. Dư nợ cho vay tăng là 39.053 tỷ đồng (25%) so với quý cuối quý III/2021 và hơn gấp đôi so với cuối năm 2020 (91.481 tỷ đồng). Tổng lượng cho vay của 10 đơn vị dẫn đầu chiếm khoảng 65% toàn nhóm CTCK. Không chỉ vậy, nhà đầu tư chứng khoán vẫn còn để một lượng lớn tiền lớn trong các công ty chứng khoán. Cụ thể, tổng số dư tiền của khách hàng tại thời điểm 31/12 ở các công ty chứng khoán đạt trên 92.452 tỷ đồng, tăng 1% so với quý III và 63% so với cuối năm 2020.
Tự doanh CTCK mua ròng tuần thứ 4 liên tiếp đạt 156 tỷ đồng: Theo thống kê của FiinPro, tự doanh CTCK trong tuần từ 17-21/1 mua vào 57,4 triệu cổ phiếu tại sàn HoSE, trị giá 2.728 tỷ đồng, trong khi bán ra 55,7 triệu cổ phiếu, trị giá 2.572 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 1,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 156 tỷ đồng, giảm 8,7% so với tuần trước. Đây cũng là tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp của dòng vốn này với tổng giá trị 2.030 tỷ đồng. VCB được khối tự doanh mua ròng mạnh nhất với giá trị 99 tỷ đồng. MBB và MWG đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 95 tỷ đồng và 89 tỷ đồng. Trong khi đó, MSN bị bán ròng mạnh nhất với 202 tỷ đồng. KOS đứng thứ 2 trong danh sách bán ròng mạnh của dòng vốn này với 111 tỷ đồng.
Khối ngoại bán ròng đột biến gần 5.200 tỷ đồng trong tuần 17-21/1: Giao dịch của khối ngoại là điểm trừ khi bán ròng rất mạnh. Theo đó, khối ngoại mua vào hơn 207 triệu cổ phiếu trong tuần từ 17-21/2, trị giá 8.823 tỷ đồng, trong khi bán ra 249 triệu cổ phiếu, trị giá 14.034 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 42 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng lên đến 5.211 tỷ đồng. Riêng ở sàn HoSE, khối ngoại bán ròng đột biến 4.974 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 30,4 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, khối ngoại sàn này bán ròng chủ yếu thông qua phương thức thỏa thuận. Nếu chỉ tính khớp lệnh, khối ngoại bán ròng khiêm tốn với 216 tỷ đồng. MSN đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HoSE với giá trị 4.698 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ yếu giao dịch cổ phiếu MSN được khối ngoại thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận. Nếu chỉ tính khớp lệnh, MSN được mua ròng 105 tỷ đồng.
Tập đoàn PAN sắp thâu tóm toàn bộ Bibica (BBC): HĐQT CTCP Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) vừa thông qua Nghị quyết phê duyệt phương án chào mua cổ phiếu BBC của Công ty cổ phần Bibica. Hiện, Tập đoàn PAN đang là cổ đông lớn khi sở hữu hơn 11 triệu cổ phiếu BBC, tương đương 58,94% vốn Bibica. Tập đoàn này dự tính chào mua 7,7 triệu cổ phiếu BBC, tương đương 41,06% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Bibica. Như vậy, nếu giao dịch được hoàn tất theo kế hoạch, Tập đoàn PAN sẽ nắm gần 18,8 triệu cổ phiếu, tương đương 100% vốn Bibica. Mức giá chào mua mỗi cổ phần BBC cụ thể chưa được công bố, song sẽ không thấp hơn giá bình quân tham chiếu của cổ phiếu BBC do HoSE công bố trong thời hạn 60 ngày giao dịch liền kề trước ngày gửi bản đăng ký chào mua.
Nguyễn Thanh