Thị trường chứng khoán ngày 7/1/2022: Thông tin trước giờ mở cửa
Thị giá 88.300 đồng/cp, một doanh nghiệp chốt quyền chào bán cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp; 66 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trên HOSE trong quý I; Louis Holdings trở thành công ty mẹ của AGM;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 7/1/2022.
66 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trên HOSE trong quý I: Sở GDCK TPHCM vừa công bố danh sách 66 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ quý 1/2022. Theo đó, các mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ chủ yếu là đang nằm trong diện bị cảnh báo hoặc kiểm soát như: AAM, AST, CIG, DAH, DHM, DLG, DXV, FTM, GTN, HAG, HAS, HNG, HOT, HVN, JVC, KHG, KHP, LAF, LCM, MCG, MHC, MHC, NVT, OGC, PIT, PMG, PTC, PTL, PXI, PXS, QBS, RDP, RIC, SII, SJF, SMA, TCR, TDH, TGG, TTE, TTF, UDC, VIS, VNS, VOS, VPH, YEG. Bên cạnh đó, các công ty có lợi nhuận sau thuế trên BCTC soát xét 6 tháng là số âm gồm CHP, DAG, ITD, KHP, PNC, PVD, SCD, SGR, TNI. 6 mã chưa đủ thời gian 6 tháng đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ: BAF, DXS, FUCT VGF3, FUEIP 100, KHG, NHT. Ngoài ra, HU1, HU3, LGL, SJD, VFG, VPS không được ký quỹ do báo cáo tài chính bán niên 2021 có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán.
Sở GDCK TPHCM vừa công bố danh sách 66 mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ quý 1/2022 |
Thị phần môi giới phái sinh quý 4/2021 ít biến động: Ngày 05/01, HNX đã công bố top 10 CTCK có thị phần môi giới phái sinh lớn nhất quý 4/2021. Chứng khoán VPS tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về thị phần môi giới phái sinh trong quý 4/2021 với mức thị phần 56,21%, giảm nhẹ so với 56,68% tại kỳ trước. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Chứng khoán HSC, Chứng khoán VNDirect, Chứng khoán SSI, Chứng khoán MB, Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán FPT, Chứng khoán VCBS. Chứng khoán BSC từ vị trí thứ 9 trong kỳ trước đã tụt xuống thứ 10 tại kỳ này, với 1,18%. Thay đổi duy nhất trong top 10 là sự xuất hiện của tân binh Chứng khoán TCBS (1,31%), thế chân cho Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Top 10 CTCK có thị phần môi giới phái sinh lớn nhất hiện chiếm tổng cộng 95,53% thị phần môi giới, giảm hơn so với mức 96,72% của quý 3/2021.
Louis Holdings trở thành công ty mẹ của AGM: Louis Holdings vừa mua vào 5,1 triệu cp của CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (HOSE: AGM), trở thành cổ đông chi phối với tỷ lệ sở hữu 51,17%. Trước giao dịch, CTCP Louis Holdings đang nắm 4,2 triệu cp tương đương 23% vốn tại AGM. Đây chính là lượng cổ phiếu do SCIC đem đấu giá. Như vậy, SCIC đã thoái toàn bộ vốn còn Louis Hodlings trở thành cổ đông lớn duy nhất, đồng thời cũng là Công ty mẹ của AGM. Về mối quan hệ, ông Đỗ Thành Nhân là đồng Chủ tịch HĐQT tại 2 đơn vị trên. Thời gian giao dịch từ ngày 24/12/2021 đến 04/01/2022. Nếu chiếu theo giá trung bình giai đoạn này, ước tính thương vụ có giá trị trên 180 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 250 tỷ đồng trong phiên 6/1, tập trung gom cổ phiếu BĐS: Khối ngoại giao dịch vẫn khá tiêu cực khi mua vào 45,3 triệu cổ phiếu, trị giá 2.112 tỷ đồng, trong khi bán ra 48,9 triệu cổ phiếu, trị giá 2.364 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 3,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là trên 250 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 270 tỷ đồng, tăng 4% so với phiên trước, tương ứng khối lượng 4,3 triệu cổ phiếu. VHM được khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất với giá trị 117 tỷ đồng. Đứng thứ 2 trong danh sách mua ròng là KBC với 103 tỷ đồng. Các vị trí tiếp theo đều thuộc nhóm bất động sản là DXG, BCM và KDH với giá trị mua ròng lần lượt 61 tỷ đồng, 53 tỷ đồng và 38 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, MSN bị bán ròng mạnh nhất với 122 tỷ đồng. VNM và VIC bị bán ròng lần lượt 106 tỷ đồng và 77 tỷ đồng…
Thị giá 88.300 đồng/cp, một doanh nghiệp chốt quyền chào bán cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp: Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Nam Hà Nội (HoSE: NHA) thông báo ngày 21/1 đăng ký cuối cùng thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm. Thời gian chuyển nhượng quyền mua từ 27/1 đến 21/2 và thời gian đăng ký, nộp tiền mua từ 27/1 đến 28/2. Doanh nghiệp chào bán 14 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, vốn điều lệ dự kiến tăng từ 281 tỷ đồn lên 422 tỷ đồng. Doanh nghiệp huy động vốn để đầu tư dự án khách sạn Hòa Mạc, dự án dân cư Mộc Bắc và dự án BT Hòa Mạc. Cổ phiếu NHA đã có 2 phiên liên tiếp tăng trần, giá từ 77.200 đồng/cp lên 88.300 đồng/cp. Tính từ đầu tháng 10, cổ phiếu này gấp 2,9 lần.
Hapaco chốt quyền phát hành hơn 55 triệu cổ phiếu, giá 10.000 đồng/cp: Tập đoàn Hapaco (HoSE: HAP) công bố Nghị quyết HĐQT thông qua thời gian thực hiện phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn từ 556 tỷ đồng lên 1.110 tỷ đồng theo phương án đã được ĐHĐCĐ bất thường năm 2021 thông qua. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ chào bán 55,47 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Ngày 21/1 là ngày đăng ký cuối cùng dự kiến để phân bổ quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Thời gian chuyển nhượng quyền mua từ 28/1 đến 21/2 và thời gian đăng ký mua, nộp tiền từ 28/1 đến 28/2. Doanh nghiệp dự kiến huy động 554,7 tỷ đồng cho mục đích mua tối đa 24 triệu cổ phiếu cổ phần Bệnh viện Quốc tế Green với giá tối đa 20.000 đồng/cp để sở hữu 79,3% vốn…
Nguyễn Thanh