Chiến lược đầu tư: 'Bỏ hết trứng vào một giỏ' với chứng chỉ quỹ ETF
Có một câu nói nổi tiếng trong đầu tư là không nên bỏ tất cả trứng trong cùng một rổ nhưng nguyên tắc này không được áp dụng với ETF...
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Trong chương trình "Bí mật đồng tiền" của VTV Digital, ông Tô Sơn Nam, chuyên gia ETF của Công ty Quản lý quỹ SSIAM cho biết con số thống kê cho thấy tổng lượng đầu tư vào các quỹ ETF ở thị trường Mỹ vào khoảng 20% tổng tài sản. Do đó, thị trường Việt Nam cũng sẽ đi theo bước phát triển đó và nó sẽ trở thành một sản phẩm tốt hơn và dễ sử dụng hơn cho nhà đầu tư.
Về bản chất, ETF trong tiếng Việt gọi là các quỹ hoán đổi danh mục, là tập hợp một "rổ" cổ phiếu của 30, 50 hay 100 công ty đi theo một chiếc lược định sẵn theo một chỉ số. Ở đây chỉ số được hiểu là chiến lược đầu tư trên lý thuyết dựa vào những tiêu chuẩn và nguyên tắc được đặt ra. Một quỹ ETF sẽ đi theo chiến lược đầu tư đó càng bám sát các chỉ số đó càng tốt.
Ông Tô Sơn Nam, chuyên gia ETF của Công ty Quản lý quỹ SSIAM |
Theo ông Nam, có một câu nói nổi tiếng trong đầu tư là không nên bỏ tất cả trứng trong cùng một rổ nhưng nguyên tắc này không được áp dụng với ETF, vì bạn có thể bỏ tất cả tài sản đầu tư của mình vào rổ ETF. Điều này vế mặt lý thuyết sẽ giúp nhà đầu tư có lợi nhuận rất tốt trong dài hạn.
"Điểm khác biệt lớn nhất giữa quỹ ETF và quỹ mở là chứng chỉ quỹ ETF được giao dịch trên sàn chứng khoán. Nhà đầu tư có thể mua bán trên tài khoản cá nhân mà không phải qua một công ty chứng khoán nào khác. Mua một cổ phiếu đơn giản như thế nào thì mua chứng chỉ quỹ ETF cũng như vậy", ông Nam nói.
So với các quỹ mở thì quỹ ETF cũng có phí quản lý thấp hơn rất nhiều, rơi vào khoảng 0,65 - 0,8% so với mức 2% của các quỹ mở, cùng với phí mua vào, phí bán ra hay phí thưởng cho các nhà quản lý. Chiến lược đầu tư của ETF là thụ động, bám sát theo thị trường, chỉ số khi thành lập.
Ông Nam cũng cho biết quỹ ETF không có quá nhiều nhược điểm. Về cơ bản các quỹ ETF đầu tư bám sát chỉ số do vậy khi chỉ số hoặc thị trường đi xuống thì các quỹ này cũng đia xuống và thực sự là không có những công cụ để quản lý rủi ro. Tuy nhiên để có thể timing thị trường, đặt ra bước phòng ngừa rủi ro trước khi thị trường đi xuống thực sự là một điều rất khó. Ngay cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp nhất không phải lúc nào cũng thành công.
Có hai quỹ ETF lớn tại Việt Nam là FTSE và VNM ETF. Gần đây FTSE loại APS ra khỏi danh mục và không thêm mới mã nào trong kỳ cơ cấu, đi ngược lại dự báo của nhiều công ty chứng khoán.
Việc này được ông Nam lý giải là điều bình thường vì các quỹ ETF này hoạt động theo một quy tắc được định sẵn. Quỹ sẽ chọn những cổ phiếu thỏa mãn các yêu cầu về trung bình thanh khoản trên thị trường, giá trị vốn hóa của từng doanh nghiệp. Khi không có thêm cổ phiếu mới đạt được những tiêu chí đề ra thì các quỹ này sẽ không thêm vào rổ của mình.
Ngày trước khi thị trường Việt Nam có thanh khoản thấp và mỗi động thái của nhà đầu tư nước ngoài có thể tạo ra ảnh hưởng lớn, tuy nhiên dạo gần đây thanh khoản thị trường đã rất tốt với sự áp đảo của các nhà đầu tư cá nhân và sự bùng nổ của số lượng tài khoản chứng khoán mở mới, do đó ảnh hưởng của việc tái cơ cấu chỉ số này không tạo ra quá nhiều biến động thị trường như ngày trước nữa.
Còn theo ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng chứng khoán SSI các quỹ ETF sẽ đi theo một chỉ số, song không phải lúc nào việc này cũng giúp rủi ro được phản ánh một cách đầy đủ. Một số chỉ số đi theo ngành, ví dụ nếu ta có một chỉ số ETF cho ngành bất động sản. Khi mà thị trường bất động sản đang gặp khó như hiện nay thì rủi ro không được đa dạng hóa và ETF tracking chỉ số của ngành bất động sản sẽ giảm rất mạnh, có thể mạnh hơn thị trường.
Ông Hưng nhấn mạnh khi theo dõi một rổ ETF, nhà đầu tư nên chú ý đến underlying index – chỉ số ở phía dưới để xem xét, đánh giá mức độ rủi ro. Nếu tham gia vào ETF chứa đầy đủ các ngành thì sẽ bớt rủi ro hơn.
Minh Đức