Đề xuất đầu tư hơn 38.000 tỷ đồng làm đường trên cao Bắc - Nam tại TP. HCM
Đường trên cao kết nối khu vực các quận trung tâm thành phố với khu đô thị Nam Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất được đề xuất tổng vốn đầu tư hơn 38.000 tỷ đồng.
Sơ đồ tuyến đường trên cao Bắc- Nam của TP.HCM với kinh phí đề xuất là hơn 38.000 tỷ đồng theo hợp đồng BOT (nguồn internet) |
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) vừa trình UBND TP báo cáo tóm tắt đề xuất đầu tư xây dựng dự án đường trên cao Bắc - Nam từ đường Cộng Hòa đến đường Nguyễn Văn Linh theo hình thức đối tác công tư (PPP, hợp đồng BOT). Qua đó, tạo nên trục đường trên cao xuyên suốt theo trục Bắc Nam, kết nối khu vực trung tâm thành phố với Khu đô thị Nam Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo đề xuất, dự án dài 14,1 km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 38.000 tỷ đồng. So với báo cáo đầu kỳ trước đó, tổng vốn đầu tư lần này tăng hơn 8.000 tỷ đồng, chi phí tăng phần lớn do bồi thường giải phóng mặt bằng.
Dự án chia làm 3 đoạn: Đoạn 1 dài 3,4 km (từ nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh, đi dọc theo đường Cộng Hòa đến nút giao Lăng Cha Cả);
Đoạn 2 dài 2,6 km, (từ nút giao Lăng Cha Cả, dọc theo Bùi Thị Xuân đến vị trí cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, qua hẻm số 656 Cách Mạng Tháng Tám - ngã ba Bắc Hải - Thành Thái).
Đoạn 3 dài 8,1 km (từ ngã ba Bắc Hải – Thành Thái theo Thành Thái - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn đến đường Nguyễn Văn Linh (tại vị trí tiếp giáp giữa nút giao cầu Ông Lớn và cầu Ông Bé trên đường Nguyễn Văn Linh).
Dọc tuyến sẽ xây dựng các nút giao và các nhánh lên xuống như các nút giao Lăng Cha Cả, ngã 6 Lê Hồng Phong, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Ông Lớn đường Nguyễn Văn Linh; trong đó, nút giao Lăng Cha Cả được kiến nghị thiết kế nút giao 3 tầng, hoàn thiện cho các hướng lên, xuống đường trên cao. Đồng thời, cho các luồng xe ra vào sân bay Tân Sơn Nhất và đi Gò vấp.
Theo Công ty CII cho biết, do chưa đủ điều kiện xác định thời điểm chính thức triển khai dự án, đơn vị tư vấn căn cứ thiết kế sơ bộ, suất đầu tư theo Quyết định 65/QĐ-BXD ngày 20/1/2021 và chỉ số giá theo Quyết định số 97/QĐ-BXD ngày 9/3/2022 của Bộ Xây dựng và chi phí đền bù giải phóng mặt bằng để ước tổng mức đầu tư năm 2022.
Vì vậy đơn vị đề xuất tách thành hai dự án, gồm: Dự án 1 đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng nhà tái định cư, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.
Dự án 2 đầu tư xây dựng đường trên cao bằng hình thức BOT. Thời gian xây dựng dự án 2 là 36 tháng và sẽ được triển khai khi dự án 1 đã hoàn thành.
Về phương án hoàn vốn dự án, mức phí sử dụng dịch vụ đường trên cao dự kiến thu tại năm 2026 là 130.000 đồng/lượt (suốt tuyến), áp dụng cho xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt vận tải khách công cộng. Thời hạn 5 năm tăng mức phí 1 lần, mỗi lần 25%.
Cụ thể, Công ty CII kiến nghị được đầu tư xây dựng và khai thác căn hộ dịch vụ cho thuê 49 năm phía trên phần đường xuyên qua cù lao Nguyễn Kiệu (quận 4) để bổ sung nguồn hoàn vốn cho dự án.
Đồng thời, đây là dự án đường trên cao chạy xuyên qua nội đô nên cần thiết phải có một nhà điều hành có khả năng tiếp giáp với tuyến đường trên cao để phục vụ công tác quản lý thu phí, duy tu, sửa chữa và cứu hộ cứu nạn khẩn cấp...
Vị trí này kiến nghị được giao lô A9 thuộc khu C30 (quận Tân Bình) để xây dựng nhà điều hành và văn phòng cho thuê. Phần văn phòng cho thuê để hoàn vốn đầu tư xây dựng nhà điều hành.
Thuận Thảo