• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ thương hiệu Kem Tràng Tiền, Bánh Givral lỗ luỹ kế 655 tỷ đồng

Chủ sở hữu thương hiệu Kem Tràng Tiền và Bánh Givral tiếp tục đối mặt với khó khăn khi lỗ luỹ kế gần 655 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024.

photo-1726111112258

One Capital Hospitality - công ty mẹ của chuỗi kem Tràng Tiền (Ảnh:Internet.)

Cụ thể, mặc dù doanh thu thuần của OCH đạt 269,1 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận gộp vẫn đạt 83 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình tài chính của công ty lại diễn biến phức tạp hơn khi doanh thu tài chính giảm mạnh 69,4% xuống còn 12,9 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính lại tăng đột biến gấp 5,5 lần, lên tới 53,1 tỷ đồng. Các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng có sự biến động nhẹ, lần lượt ghi nhận con số 46 tỷ đồng và 52,4 tỷ đồng.

Kết quả, bán niên 2024, OCH báo lỗ sau thuế 70,1 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 2,2 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.

Còn nhớ vào năm 2014, một cột mốc đen tối đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử của OCH khi ông Hà Văn Thắm, người đứng đầu OCH và Ocean Group, vướng vào vòng lao lý, công ty đã ghi nhận mức lỗ kỷ lục 867 tỷ đồng. Sự kiện này đã để lại hậu quả nặng nề cho OCH, khiến công ty rơi vào tình trạng khó khăn kéo dài.

Không chỉ dừng lại ở năm 2014, những năm tiếp theo, OCH tiếp tục đối mặt với tình hình kinh doanh ảm đạm. Các khoản lỗ liên tiếp trong các năm 2016, 2017, 2021 cùng với khoản lỗ bán niên 2024 đã khiến tổng lỗ lũy kế của công ty lên tới gần 655 tỷ đồng.

Sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng, cũng như những lô đất có vị trí đắc địa, nhưng mảng kinh doanh mang lại lợi nhuận chính cho OCH là mảng thực phẩm, bao gồm kem Tràng Tiền và bánh Givral. Thế nhưng, với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt và sự thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng, việc duy trì mức tăng trưởng ổn định cho mảng này đang trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh mảng thực phẩm, OCH còn là chủ sở hữu chuỗi resort Sunrise Nha Trang, Sunrise Hội An, Starcity Nha Trang,…. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động tiêu cực lớn đến ngành du lịch, khiến hoạt động kinh doanh của các khách sạn này gặp nhiều khó khăn.

Trước những thách thức hiện tại, ban lãnh đạo xác định động lực phát triển tốt nhất trong thời gian tới sẽ là thông qua mua bán và sát nhập (M&A). Lãnh đạo OCH cho biết thêm, với các thương hiệu, sản phẩm hiện có thì công ty có thể đạt mức doanh thu ổn định khoảng trên 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất từ 180 – 200 tỷ nhưng để nói về động lực phát triển thì không có và rất khó có sự tăng trưởng đột biến.

Tính tới ngày 30/6, tổng tài sản của OCH đạt 4.047,7 tỷ đồng, trong đó chỉ có 506,2 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn. Công ty đang nắm giữ 4,1 tỷ đồng tiền mặt; 109,2 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Tỷ lệ tài sản ngắn hạn so với tổng tài sản khá thấp, cho thấy khả năng thanh toán các nghĩa vụ ngắn hạn của OCH bị hạn chế. Điều này đồng nghĩa với việc công ty có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính thường xuyên như trả lương, thanh toán các khoản phải trả.

Khả năng thu hồi công nợ và quản lý hàng tồn kho của OCH đang đặt ra nhiều dấu hỏi. Mặc dù các khoản phải thu ngắn hạn tăng trưởng 35%, song việc trích lập dự phòng phải thu lên đến 173,7 tỷ đồng cho thấy khả năng thu hồi các khoản này là không chắc chắn. Đặc biệt, OCH có khoản phải thu ứng tiền cho các cá nhân tại CTCP Viptour - Togi 46,24 tỷ đồng, trích lập dự phòng toàn bộ 46,24 tỷ đồng; khoản phải thu từ bà Nguyễn Thị Dung 53,2 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 53,2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, giá trị hàng tồn kho lớn ở mức 337,4 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào các dự án bất động sản như Starcity Airport với 218,3 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng 102,3 tỷ đồng và dự án Nhà máy Tân Phú Trung 74,8 tỷ đồng, cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Việc trích lập dự phòng cho các dự án này cho thấy khả năng tiêu thụ sản phẩm và chuyển hóa hàng tồn kho thành tiền mặt của OCH là chậm. Tuy nhiên, OCH cho biết, đã thông qua việc dừng đầu tư và xây dựng tại dự án Nhà máy Tân Phú Trung và đang trong quá trình xây dựng phương án chuyển nhượng dự án này.

Tại thời điểm kết thúc quý II/2024, OCH có nợ vay tài chính ở mức 1.687,5 tỷ đồng. Đặc biệt là khoản vay lớn từ Ngân hàng Vietinbank với dư nợ 1.500 tỷ đồng, khoản vay này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nợ của công ty và sẽ tác động đáng kể đến dòng tiền cũng như khả năng sinh lời của OCH trong tương lai. Thời hạn vay kéo dài đến năm 2030, cùng với lãi suất 7%/năm, tạo ra một áp lực tài chính không nhỏ lên công ty. Khoản vay được đảm bảo bằng toàn bộ cổ phần và các quyền liên quan đến cổ phần của Công ty TNHH Sản xuất Bình Hưng (Bình Hưng) tại CTCP IDS Equity Holdings, các hợp đồng tiền gửi của OCH và toàn bộ tài sản gắn liền với thửa đất có địa chỉ tại số 72 – 74 đường Trần Phú, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa của Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang.

Theo báo cáo của HĐQT OCH tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 cho thấy công ty đang tích cực triển khai kế hoạch thoái vốn khỏi nhiều dự án đầu tư như: Thoái vốn toàn bộ 5,14 triệu cổ phần tại CTCP Tân Việt; thoái toàn bộ hơn 16 triệu cổ phần tại CTCP Viptour Togi (chủ đầu tư Dự án Starcity Westlake); thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang (chủ đầu tư Dự án Khách sạn StarCity Nha Trang), trong đó đáng chú ý là dự án Starcity Airport. Đối tác nhận chuyển nhượng dự kiến của các thương vụ thoái vốn trên là Ocean Group- công ty mẹ của OCH.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh công ty đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là các vấn đề pháp lý liên quan đến dự án Starcity Airport. Trên BCTC soát xét bán niên 2024 của OCH, đơn vị kiểm toán đã nhấn người đọc về khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang trị giá 218,3 tỷ đồng của dự án này. Dự án Starcity Airport được hợp tác phát triển với Công ty TNHH MTV Tư vấn và Dịch vụ Đại Dương Xanh, nay là Công ty TNHH Pegasus Thăng Long. Đến ngày 30/6/2024, số tiền OCH nhận được từ Pegasus Thăng Long để góp vốn đầu tư vào dự án là 116 tỷ đồng.

Tuy nhiên, toàn bộ chi phí phát sinh của dự án, bao gồm các quyền giá trị quyền sử dụng đất và chi phí xây dựng dự án dở dang, đã được thế chấp tại ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay của Pegasus Thăng Long. Đáng chú ý, tài sản đảm bảo này đã có quyết định thi hành án để thu hồi nợ của Pegasus Thăng Long. Điều này dẫn đến nguy cơ tổn thất tài chính cho OCH, khi công ty xác định mức tổn thất là toàn bộ chi phí của dự án đã phát sinh số tiền là 218,3 tỷ đồng.

Để đối phó với vấn đề trên, OCH đã trích lập dự phòng một khoản giá trị 102,3 tỷ đồng, tương đương với khoản thất bại sau khi bù trừ 116 tỷ đồng từ nguồn tiền hợp tác kinh doanh thu từ Pegasus Thăng Long. Ban Lãnh đạo Công ty đánh giá không còn các nghĩa vụ phải trả phát sinh thêm liên quan đến Pegasus Thăng Long và liên quan đến Dự án Starcity Airport.

Trong thời gian tới, OCH tiếp tục thực hiện các công việc để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công ty.

Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch sáng 11/9, cổ phiếu OCH có giá 5.700 đồng/cổ phiếu. Hiện cổ phiếu này đang trong diện bị cảnh báo và sẽ bị cắt margin từ ngày 12/9 do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2024 trên BCTC hợp nhất bán niên 2024 đã được soát xét là số âm.

Theo Ánh Dương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết