• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cổ phiếu MWG khó đoán định

Tại ĐHCĐ thường niên 2021, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG từng nhấn mạnh “Nếu một ngày nào đó, chính sách ESOP không được thông qua thì hiệu quả kinh doanh của công ty đó có vấn đề "...

Cổ phiếu MWG mất dần sức hút

Từ khi Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) lên sàn vào ngày 14/7/2014, cổ phiếu MWG của luôn giữ xu hướng tăng, nhanh chóng có mặt trong nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ hấp dẫn nhất trên thị trường chứng khoán. Đến ngày 15/5/2017, thị giá cổ phiếu này đã vọt lên 184.000 đồng/cp – mức giá cao nhất cho đến hiện tại, và sau đó lùi dần về mức giá thấp hơn.

Sau khi "pha loãng" vào ngày 15/7/2022, thị giá cổ phiếu MWG giảm còn 79.230 đồng/cp. Hiện tại (chốt phiên 28/3), cổ phiếu MWG đang dừng ở mức giá 39.100 đồng/cp, giảm khoảng 55% so với đỉnh cách đây một năm. Nếu so với những cổ phiếu ngành bán lẻ khác, mức giảm của MWG cũng có phần nhỉnh hơn. Chẳng hạn, cùng thời điểm so sánh, cổ phiếu FRT (FPT Retail) giảm 38% so với đỉnh, còn cổ phiếu PNJ (Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận) chỉ để mất 16% so với đỉnh.

Nguyên nhân chính khiến cho cổ phiếu MWG mất dần sức hút và hiện đang giao dịch loanh quanh vùng đáy dài hạn được cho là bởi kết quả kinh doanh của đại gia ngành bán lẻ này tiến triển không khởi sắc.

Cổ phiếu MWG khó đoán định

Năm 2022 là năm của những thách thức do những biến động khó lường của các yếu tố vĩ mô. Những bất ổn về chính trị - kinh tế toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh, thu nhập và xu hướng tiêu dùng của người dân.

Cũng chính vì vậy, Thế giới Di động bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về doanh thu và lợi nhuận do sức mua các sản phẩm điện máy, điện thoại giảm mạnh hơn dự kiến. Trong quý IV/2022, lợi nhuận sau thuế của công ty đã giảm 60% so với cùng kỳ, còn 619 tỷ đồng.

Mặc dù cả năm 2022, tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 133.400 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2021, song lợi nhuận sau thuế lại giảm 16% so với cùng kỳ, xuống 4.100 tỷ đồng. Theo đó, MWG chỉ đạt được 95% kế hoạch doanh thu, 65% kế hoạch lợi nhuận năm.

Và cũng do kết quả kinh doanh doanh năm 2022 không đạt được mức tối thiểu tăng trưởng 10% lợi nhuận so với năm trước, dẫn đến việc MWG phải dừng việc phát hành cổ phiếu ESOP, việc mà dường như đã thành "thông lệ" hằng năm.

Điều này cho thấy, việc kinh doanh của Thế giới Di động đang thực sự gặp vấn đề về cốt lõi lớn. Bởi tại ĐHCĐ thường niên 2021, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG từng nhấn mạnh “Nếu một ngày nào đó, chính sách ESOP không được thông qua thì hiệu quả kinh doanh của công ty đó có vấn đề ".

Đáng chú ý, mới đây, MWG đã bổ sung tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 với tờ trình chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 500 đồng và thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023.

Được biết, trong năm 2021, công ty trả cổ tức tỷ lệ 110%, trong đó 10% bằng tiền mặt và 100% bằng cổ phiếu. Trước đó, năm 2020, công ty đã trả cổ tức 55% gồm 5% bằng tiền và 50% bằng cổ phiếu. Như vậy, cổ tức bằng tiền năm 2022 giảm một nửa và công ty không trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Khó đoán định tương lai

Trong năm 2022 vừa qua, cổ phiếu MWG đã ghi nhận nhiều biến động mạnh và kéo dài tới giai đoạn đầu năm 2023. Việc giá cổ phiếu MWG đã chạm đáy khiến nhiều nhà đầu tư phân vân trong việc đầu tư vào cổ phiếu này trong thời gian tới. Một mặt, giá cổ phiếu MWG đang ở mức tương đối thấp so với vùng giá đỉnh trước đó, giúp các nhà đầu tư có thể hy vọng về việc tăng giá trở lại của mã cổ phiếu này trong tương lai. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh kém sáng dường như như không ủng hộ cho đà tăng giá của cổ phiếu này.

Hiện tại, nhiều thông tin cho thấy có thể lợi nhuận của TGDĐ sẽ khả quan hơn với những chiến lược công ty đưa ra như: Ra mắt chuỗi cửa hàng TOPZONE chuyên kinh doanh các sản phẩm chính hãng Apple; đa dạng hóa danh mục sản phẩm, cơ cấu lại hệ thống của chuỗi bán lẻ TGDĐ và Bách hóa xanh; thành lập thêm công ty dịch vụ logistic mới để hoàn thiện hệ sinh thái.

Dù vậy, thông tin mới nhất cho thấy, kết quả kinh doanh của TGDĐ vẫn chưa ghi nhận sự khởi sắc. Trong 2 tháng đầu năm 2023, Tập đoàn ghi nhận doanh thu 19.010 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ và hoàn thành được 14% kế hoạch doanh thu năm (kế hoạch doanh thu 135.000 tỷ đồng).

Đáng chú ý, MWG không công bố lợi nhuận trong 2 tháng đầu năm 2022. Trong khi trong các báo cáo theo tháng năm 2022, công ty liên tục công bố doanh thu và lợi nhuận hàng tháng.

Đối với chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh, trong 2 tháng đầu năm, tổng doanh thu giảm 32% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, giới phân tích dự báo, khả năng phục hồi của hoạt động xuất khẩu sẽ thúc đẩy nhu cầu trên thị trường lao động và tiêu dùng trong nước từ quý II/2023. Dù vậy, tốc độ phục hồi lợi nhuận của các công ty bán lẻ sẽ chậm hơn so với tốc độ phục hồi của nền kinh tế, vì người tiêu dùng sẽ cần thời gian để tích lũy lại khoản tiết kiệm và lấy lại niềm tin vào sức mua của mình.

“Cùng với sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng sẽ có tác động không đồng nhất đến từng nhà bán lẻ Việt Nam. Các mặt hàng thiết yếu: ngành hàng tiêu dùng nhanh, dược phẩm... và những mặt hàng không thiết yếu đắt tiền vẫn sẽ bán tốt, ngược lại các sản phẩm không thiết yếu ở phân khúc trung cấp, đặc biệt là các thiết bị công nghệ vốn được hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén, có thể bị suy giảm tiêu thụ nặng nề nhất năm 2023.”, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.

Tương tự, SSI Research cho rằng, tiêu dùng cho các sản phẩm không thiết yếu sẽ vẫn ảm đạm, ít nhất là cho đến nửa đầu năm 2023. Như vậy, kết quả kinh doanh của công ty dự báo sẽ còn nhiều biến động, theo đó cổ phiếu MWG cũng khó có thể đảo chiều một cách nhanh chóng, bởi xu thế hồi phục kinh tế toàn cầu vẫn đang ở mức chậm. Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là nếu muốn “lướt sóng” khi cổ phiếu này đang ở giai đoạn đáy.

Nhật Hải

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...