• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 5,6% trong quý II/2022

VNDirect dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ trong quý II, cải thiện từ mức tăng trưởng 5% trong quý I và cả năm sẽ đạt mức tăng 7,1%.

0037-viyt-nam

Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 5,6% trong quý II/2022. (Ảnh minh họa)

Chứng khoán VNDirect công bố báo cáo chiến lược thị trường tháng 5/2022, trong đó đưa ra nhận định tốc độ hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong những quý tới.

Cụ thể, VNDirect cũng dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% so với cùng kỳ (+/-0,2 điểm %) trong quý II, cải thiện từ mức tăng trưởng 5% trong quý I và cả năm sẽ đạt mức tăng 7,1%.

Báo cáo cho biết những yếu tố hỗ trợ chính cho phục hồi kinh tế đến từ mức nền thấp trong quý III/2021 khi GDP của Việt Nam giảm 6% so với cùng kỳ. Ngoài ra việc mở cửa trở lại các dịch vụ không thiết yếu, bao gồm giao thông công cộng, du lịch và giải trí cùng với gói kích thích kinh tế mới được triển khai (giảm thuế VAT, nâng quy mô gói cấp bù lãi suất, giải ngân gói đầu tư cơ sở hạ tầng ...), cũng là một động lực quan trọng.

Bên cạnh đó, yếu tố hỗ trợ còn đến từ dòng vốn FDI phục hồi sau khi Chính phủ cho phép các chuyến bay thương mại quốc tế và hoạt động xuất khẩu tiếp tục cải thiện.

0304-gdp-3

(Nguồn: VNDirect)

Báo cáo của VNDirect còn đề cập đến rủi ro căng thẳng Nga-Ukraine kéo dài hơn dự kiến và việc phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc làm gia tăng lo ngại gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu.

Về lạm phát, VNDirect nhận thấy rủi ro lạm phát gia tăng từ giờ cho đến cuối năm do tác động của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Giá xăng dầu tăng mạnh làm gia tăng áp lực lạm phát đối với Việt Nam, đặc biệt là chỉ số giá giao thông.

Khối phân tích dự báo CPI bình quân quý II của Việt Nam ở mức 3,1% so với cùng kỳ (so với 1,9% so với cùng kỳ trong quý I).

Báo cáo còn nhấn mạnh, lạm phát trong nước cao hơn dự kiến có thể cản trở đà phục hồi kinh tế và khiến chính sách tiền tệ trở nên thắt chặt hơn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ít dư địa hơn để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Bên cạnh đó, đồng USD mạnh lên cũng gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam, dẫn đến nguy cơ rút vốn đầu tư gián tiếp khỏi Việt Nam, đồng thời gia tăng áp lực lên nợ công.

Hồng Giang

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...