• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông dân trúng mùa lúa Thu Đông, lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay

Vụ Thu Đông năm 2023, nông dân Tiền Giang đã xuống giống được gần 13.000 ha, tập trung tại các huyện, thị vùng ngọt hóa Gò Công, phía Đông tỉnh; trong đó, Gò Công Tây dẫn đầu với hơn 7.000 ha, thị xã Gò Công gần 3.500 ha...

Đến giữa tháng 11/2023, nông dân đã thu hoạch đầu vụ được khoảng 1.000 ha với năng suất bình quân 60 tạ/ha. Những nông dân sản xuất giỏi có thể đạt 70–80 tạ/ha. Lúa hàng hóa có giá nên nông dân rất phấn khởi. Hiện thương lái đang thu mua lúa tươi của nông dân với giá từ 8.500 đến 9.000 đồng/kg, cao hơn từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi từ 30 - 35 triệu đồng/ha, cao nhất từ trước đến nay.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây Lê Thị Thanh Minh, là một trong những địa bàn trọng điểm về sản xuất nông nghiệp phía Đông tỉnh, địa phương chú trọng sử dụng giống lúa đặc sản, lúa thơm, ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình canh tác gắn với liên kết theo mô hình cánh đồng lớn nhằm giải quyết đầu ra cho hạt gạo hàng hóa.

Cụ thể, năm 2023, Gò Công Tây xây dựng 11 mô hình cánh đồng lớn, tổng diện tích trên 3.000 ha, chiếm gần 33% tổng diện tích canh tác của địa phương. Các doanh nghiệp tích cực tham gia mô hình liên kết sản xuất tại huyện Gò Công Tây như: Công ty TNHH Vinh Hiển, Doanh nghiệp tư nhân Phước Thành, Doanh nghiệp tư nhân Bá Tước... Phương thức liên kết chủ yếu theo hình thức thỏa thuận như: đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật - thu mua lúa; đầu vụ hợp đồng tiêu thụ lúa theo giá thị trường hoặc giá cố định tùy theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và nông dân.

Huyện Gò Công Tây cũng đang thực hiện mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại 6 xã trọng điểm là Bình Tân, Long Bình, Long Vĩnh, Vĩnh Hựu, Yên Luông và Thạnh Trị với tổng diện tích 1.350 ha. Tham gia mô hình, nông dân được chuyển giao kỹ thuật thâm canh theo 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, cơ giới hóa các khâu sản xuất, liên kết giải quyết đầu vào và đầu ra cho hạt lúa hàng hóa… Qua đó, vừa nâng chất lượng hạt lúa hàng hóa vừa giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người trồng lúa.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây Lê Thị Thanh Minh đánh giá, vụ Thu Đông 2023, nông dân địa phương trúng mùa và trúng giá nên rất phấn khởi. Hiện nông dân đang khẩn trương thu hoạch dứt điểm vụ Thu Đông trong tháng 11 này để chuẩn bị gieo sạ vụ Đông Xuân 2023 – 2024 theo lịch xuống giống tập trung phòng, chống hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, trong vụ Thu Đông 2023, nhờ địa phương tích cực chuyển giao kỹ thuật thâm canh, sử dụng giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, cơ giới hóa khâu canh tác... nên đã giúp nông dân nâng cao trình độ canh tác lúa, bảo đảm tiền đề giành những vụ sản xuất bội thu.

Hiện Tiền Giang đang chỉ đạo các huyện, thành, thị khu vực phía Đông khẩn trương thu hoạch dứt điểm trà lúa Thu Đông, tạo điều kiện chủ động chuẩn bị sản xuất vụ Đông Xuân 2023 – 2024 theo hướng né hạn mặn, giảm nguy cơ thiên tai trong tình hình thời tiết, thủy văn dự báo diễn biến phức tạp, khó lường.

Riêng đối với diện tích lúa Thu Đông 2023 trễ vụ, không thể xuống giống kịp lịch thời vụ Đông Xuân 2023 – 2024 theo khuyến cáo thì khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp theo Đề án "Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện, thị phía Đông đến năm 2025” của tỉnh./.

Minh Trí


Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết