• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vietjet (VJC): Doanh thu hợp nhất tăng vọt, thực hiện gần 33.000 chuyến bay trong quý II/2022

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (HOSE - Mã: VJC) cho biết, trong quý II vừa qua, doanh thu hợp nhất đạt 11.590 tỷ đồng, tăng trưởng 227% so với cùng kỳ năm trước

Trong quý II vừa qua, doanh thu hợp nhất đạt 11.590 tỷ đồng, tăng trưởng 227% so với cùng kỳ năm trước nhờ vào nhu cầu đi lại đang trên đà phục hồi mạnh, đặc biệt là các chặng nội địa tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019 khi COVID chưa bùng phát.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 181 tỷ đồng, thấp hơn quý đầu năm nhưng cao gấp 40 lần cùng kỳ 2021.

Vietjet đã thực hiện gần 33.000 chuyến bay và vận chuyển 6 triệu lượt khách, tăng lần lượt 135% và 200% so với quý II/2021. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt hơn 11.000 tấn.

Vietjet (VJC): Doanh thu hợp nhất tăng vọt, thực hiện gần 33.000 chuyến bay trong quý II/2022

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC)

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất 16.112 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 426 tỷ đồng, hãng bay của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo cho hay. Đến thời điểm hiện tại, website Vietjet Air đã đăng tải giải trình biến động kết quả kinh doanh nhưng chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II.

Những kết quả của quý II và 6 tháng đầu năm có sự tăng trưởng về doanh thu nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ đạt 429 tỷ đồng, tương đương 85,2% kế hoạch 6 tháng do chi phí xăng dầu tăng cao.

Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, Vietjet khai thác tổng cộng 51.483 chuyến bay trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng gần 52% so với 6 tháng 2021.

Thúc đẩy và đi đầu việc mở cửa, giao thương giữa Việt Nam với các nước sau đại dịch, Vietjet đẩy mạnh phát triển các đường bay quốc tế mới, trong đó phát triển và mở rộng 17 đường bay thẳng giữa Việt Nam và Ấn Độ, đất nước với 1,4 tỷ dân, tới Delhi, Mumbai, Ahmedabad, Hyderabad, Bangalore; khai trương các đường bay mới từ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đi Busan (Hàn Quốc), từ Hà Nội đến Nagoya và Fukuoka (Nhật Bản)…

Bên cạnh đội tàu bay A320, A321 tiên tiến, Vietjet đã đưa vào khai thác đội tàu bay thân rộng A330 hiện đại, thế hệ mới với công nghệ kiểm soát tiếng ồn, nhằm đem đến cho hành khách những trải nghiệm bay an toàn, thoải mái, giảm tần suất cất, hạ cánh tại các sân bay.

Vietjet đã ra mắt website và ứng dụng (App) mới, đồng thời cung cấp cho khách hàng những gói sản phẩm mới như “Bay trước, Trả sau”, giúp khách hàng giải quyết vấn đề tài chính; sản phẩm Sky Holidays đặt vé kết hợp với các gói nghỉ dưỡng và dịch vụ lưu trú tại các khách sạn trên khắp Việt Nam…

Trong đó, sản phẩm “Bay trước,Trả sau” được Tạp chí danh tiếng The Global Economics Times Anh quốc trao giải Sản phẩm Fintech mới tốt nhất 2022 - Best New Fintech Product và được đánh giá là sản phẩm không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn mang ý nghĩa nhân văn, hỗ trợ phục hồi hoạt động kinh tế, xã hội, đời sống của người dân sau đại dịch.

Trong bối cảnh nhiều hãng hàng không trên thế giới gặp khó khăn về nhân sự sau đại dịch nhưng Vietjet vẫn đảm bảo được chính sách cho người lao động và liên tục tổ chức các lớp đào tạo cho tất cả nhân viên.

Học viện Hãng không Vietjet (VJAA) đã tổ chức hơn 650 khóa học cho gần 15.000 học viên là các phi công, tiếp viên hàng không, nhân viên điều phái bay, nhân viên kỹ thuật, nhân viên khai thác mặt đất… Học viện đã hợp tác với các đối tác lớn trong nước và trên thế giới để triển khai các chương trình đào tạo phi công cơ bản.

Vietjet cũng được tổ chức quốc tế AirlineRatings, bình chọn là “Hãng hàng không mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng toàn cầu - Value Airline of the Year” và “Top 10 hãng hàng không chi phí thấp tốt nhất thế giới – Top 10 Best Low-cost Airlines’ năm 2022.

Ngoài ra, Vietjet đã hoàn thành tái chứng nhận an ninh thông tin ISO27001 của TUV NORD (Đức), đáp ứng bộ tiêu chuẩn Quản lý an toàn An ninh thông tin ISO27001:2013.

Tại Triển lãm hàng không quốc tế (Farnborough Airshow), diễn ra tại Anh từ 18 đến 22/7, Vietjet đã đạt được thỏa thuận với Boeing về tái cấu trúc, với nguồn vốn quốc tế, tiếp tục thực hiện hợp đồng 200 tàu bay Boeing 737. Đây là nỗ lực lớn của Boeing và Vietjet góp phần cho mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày gần nhất 29/7 cổ phiếu VJC giảm 1.700 đồng về mức 125.700 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch 490.800 đơn vị

Vietjet (VJC): Doanh thu hợp nhất tăng ngất ngưởng, thực hiện gần 33.000 chuyến bay trong quý II/2022

Diễn biến cổ phiếu VJC trong 3 tháng gần đây. Nguồn: CafeF

Quý I/2022, Vietjet ghi nhận tăng trưởng 113% lợi nhuận so với cùng kỳ

Theo báo cáo tài chính quý I/2022, so với cùng kỳ năm 2021, Vietjet ghi nhận tăng trưởng 113% lợi nhuận trước thuế nhờ kinh doanh vận chuyển hành khách phục hồi nhanh và mảng kinh doanh vận chuyển hàng hóa tiếp tục mở rộng, với mức tăng trưởng doanh thu trong quý I/2022 lần lượt là 76% và 94%.

Trong quý I/2022, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất là 4.522 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 244 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 98% so với cùng kỳ năm 2021.

Về doanh thu vận tải hàng không, Vietjet đạt doanh thu quý I/2022 là 3.340 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021, giúp hãng đạt lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 40 tỉ đồng.

Từ cuối năm ngoái đến nay, ngành hàng không và du lịch đã mở cửa hoàn toàn trở lại, đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của người dân. Trong 3 tháng đầu năm 2022, Vietjet đã mở lại toàn bộ mạng bay nội địa và nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ; thực hiện 20.000 chuyến bay và vận chuyển hơn 3 triệu lượt khách trên gần 60 đường bay nội địa và quốc tế được khai khác.

Tổng số chuyến bay và lượt khách của Vietjet trong quý I/2022 đã đạt 50% và 55% so với tổng số của cả năm 2021, đánh dấu cột mốc phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa, Vietjet đạt tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển trong quý I/2022 hơn 12,5 nghìn tấn.

Đây là kết quả rất đáng chú ý của Vietjet trong bối cảnh ngành hàng không các tháng đầu năm chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa.

Vietjet mở 7 đường bay quốc tế kết nối Đà Nẵng tới 3 quốc gia

Mới đây, Trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022, Vietjet và thành phố Đà Nẵng trao biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược 5 năm (2022 - 2027) phát triển du lịch, hàng không, và công bố mở loạt 7 đường bay quốc tế mới kết nối Đà Nẵng và các nước trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Vietjet sẽ phối hợp để quảng bá hình ảnh của thành phố biển Đà Nẵng đến với du khách khắp trong, ngoài nước, thúc đẩy giao thương, du lịch và đầu tư đến thành phố Đà Nẵng. Vietjet sẽ sơn tàu bay mang thương hiệu du lịch của Đà Nẵng để mang hình ảnh của Đà Nẵng tới khắp các quốc gia, điểm đến mà hãng có đường bay tới. Đà Nẵng cũng sẽ tham gia cùng Vietjet trong các sự kiện kích cầu, hội nghị xúc tiến đầu tư, giới thiệu du lịch, quảng bá điểm đến Đà Nẵng tới du khách...

Ngay trong chuỗi hoạt động Diễn đàn Đầu tư, Vietjet chính thức công bố mở loạt 7 đường bay quốc tế mới kết nối thành phố Đà Nẵng với Singapore, Hàn Quốc và Ấn Độ, bước đầu tiên trong khuôn khổ cam kết hợp tác với thành phố.

Các đường bay kết nối thành phố biển xinh đẹp "đáng sống nhất Việt Nam" Đà Nẵng với Busan (Hàn Quốc), 5 thành phố lớn, đông dân nhất Ấn Độ là New Delhi, Mumbai, Hyderabad, Ahmedabad, Bangalore cùng với Singapore sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7 và ngay trong quý III/2022, với từ 4 đến 7 chuyến khứ hồi mỗi tuần, đáp ứng nhu cầu du lịch, giao thương, đầu tư, thăm thân... của người dân và du khách.

Vietjet và thành phố Đà Nẵng trao biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược 5 năm (2022 - 2027) phát triển du lịch, hàng không, và công bố mở loạt 7 đường bay quốc tế mới kết nối Đà Nẵng và các nước trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Phó Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ: "Đà Nẵng là một điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế hàng đầu Việt Nam. Vietjet đã vận chuyển gần 22 triệu lượt khách tới Đà Nẵng trong thời gian qua, hiện đã có tới 8 đường bay nội địa và 5 đường bay quốc tế đến và đi từ Đà Nẵng. Vietjet tin tưởng các đường bay quốc tế mới công bố hôm nay sẽ tiếp tục góp phần mở ra thêm nhiều cơ hội, thúc đẩy kinh tế thương mại, đầu tư kinh doanh giữa thành phố Đà Nẵng với các thành phố, quốc gia trong khu vực".

Với nhiều hoạt động tích cực và gắn bó với thành phố Đà Nẵng cũng như "Con đường di sản Miền Trung", hãng hàng không Vietjet đã không ngừng mở thêm các đường bay, mang tới cho khách hàng nhiều lựa chọn chuyến bay, thời gian bay, trải nghiệm bay tốt đẹp với những món ăn nóng tươi ngon, các sản phẩm dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tiện ích cùng tàu bay mới, hiện đại, tiếp viên tận tâm, thân thiện và đặc biệt là các chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc ngay trên tàu bay ở độ cao 10.000 mét.

Vietjet cùng đội tàu bay mang hình ảnh biểu tượng của cờ đỏ, sao vàng, giai điệu "Hello Việt Nam" đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch, đất nước, con người Việt Nam hiếu khách tới với thế giới và mang thế giới đến với Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế tại các thành phố, quốc gia mà hãng có đường bay tới. Tập đoàn Sovico đưa ra sáng kiến và phát triển "Con đường di sản Miền Trung" kết nối Huế - Mỹ Sơn – Đà Nẵng – Hội An, quảng bá cho du lịch miền Trung. Tại Đà Nẵng, Vietjet là hãng hàng không đầu tiên khai thác các đường bay cả nội địa và quốc tế tới với sân bay mới của tỉnh, khai thác những chuyến bay quốc tế đầu tiên đến với thành phố.

Hoàng Đức

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...