Lãi suất tháng 8/2022: Ngân hàng nào cao nhất?
Lãi suất tiết kiệm tháng 8/2022 tại một số ngân hàng có sự điều chỉnh tăng lên từ 0,1% - 0,2% so với trước đó.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay?
Từ đầu năm 2022, nền kinh tế đang dần phục hồi. Đây cũng là lúc hệ thống ngân hàng khuyến khích huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn cho sản xuất kinh doanh, khiến một số ngân hàng huy động lãi suất tiết kiệm tăng khá cao, đặc biệt ở mức khá cao đối với các khoản tiền gửi lớn, kỳ hạn dài.
Nguồn ảnh: Internet |
Lãi suất tiết kiệm khi gửi trực tuyến:
- Kỳ hạn 1 tháng, khi gửi tiết kiệm online có khá nhiều ngân hàng có mức lãi suất hấp dẫn lên đến 5,5% bao gồm: ACB, Bắc Á, Bảo Việt, MaritimeBank, SCB, VIB.
- Kỳ hạn 3 tháng, hầu hết các ngân hàng đều dao động mức lãi suất từ 5-5,5%
Kỳ hạn từ 6-9 tháng, SCB chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất tương ứng kỳ hạn 6 tháng: 6,65%, 9 - tháng: 6,8%
- Tiền gửi ở những kỳ hạn dài hơn từ 12-36 tháng, SCB vẫn là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất với kỳ hạn 12 tháng: 7,0%, 13 tháng: 7,25%, 18-24-36 tháng: 7,35%.
Lãi suất tiết kiệm khi gửi tại quầy:
- Gửi tiết kiệm Kỳ hạn từ 1-3 tháng, ngân hàng GPBank có mức lãi suất cao nhất là 4%. Ngoài ra, các ngân hàng còn lại có mức lãi suất giao động không chênh lệch nhiều từ 3-3,5%.
- Gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng CBBank giữ mức lãi suất lần lượt là 6,35% và 6,45%, cao nhất so với các ngân hàng còn lại.
- Gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là GPBank và SCB với mức lãi suất 6.7% và 7,0%
- Gửi tiết kiệm các kỳ hạn dài hơn như 13, 18, 24, 36 tháng, ngân hàng SCB, Bắc Á, VRB có mức lãi suất cao nhất. Mức lãi suất 6,8% kỳ hạn 13 tháng, cùng mức lãi suất 7,0% cho các kỳ hạn 18, 24, 36 tháng.
Rút một phần tiền tiết kiệm gửi trước hạn vẫn được hưởng lãi cao
Thông tư 04/2022/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 1/8/2022 sẽ giúp người gửi tiền có nhiều lợi hơn. Theo đó, người gửi tiền có thể rút một phần tiền trong gói tiết kiệm và hưởng lãi suất gửi tiền không kỳ hạn; số tiền còn lại tiếp tục được tính lãi suất như lúc ban đầu. Đây là lợi thế rất lớn, mà các quy định trước đây nếu rút tiền người dân phải rút cả sổ, nhận lãi suất không kỳ hạn.
Ví dụ, bạn gửi tiết kiệm tại ngân hàng A, với số tiền là 200 triệu VND; kỳ hạn gửi tiền 6 tháng, với lãi suất là 6,5%. Hạn tất toán khoản tiền tiết kiệm là 1/12/2022. Nhưng bạn cần rút trước 100 triệu, ngày 1.9.2022. Nếu theo quy định cũ, số tiền bạn phải rút hết là 200 triệu, nhận lãi suất không kỳ hạn (khoảng 0,1%). Tuy nhiên ở Thông tư 04/2022/TT-NHNN mới, bạn được rút 100 triệu, nhận lãi suất không kỳ hạn, còn 100 triệu còn lại, bạn tiếp tục được hưởng lãi suất 6,5%.
Theo thông tư này, có 4 hình thức được rút một phần tiền tiết kiệm trước kỳ hạn:
Rút trước hạn toàn bộ tiền gửi: Áp dụng lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo đối tượng khách hàng và theo loại đồng tiền đã gửi.
Rút trước hạn một phần tiền gửi: Phần tiền gửi rút trước hạn: Áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng theo đối tượng khách hàng và theo loại đồng tiền đã gửi.
Phần tiền gửi còn lại: Áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.
Như vậy, nếu khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi có kỳ hạn thì chỉ phần rút trước hạn này chịu lãi suất không kỳ hạn thấp nhất, còn phần tiền gửi còn lại vẫn được ngân hàng giữ nguyên mức lãi suất đang áp dụng.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành, khách hàng không được rút một phần tiền gửi mà phải rút toàn bộ sổ tiết kiệm. Một khi đã rút toàn bộ tiền gửi thì khách hàng sẽ chỉ được thanh toán mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất không kỳ hạn thấp nhất tại ngân hàng đó.
Có thể thấy, so với quy định cũ, cách tính lãi khi rút một phần tiền gửi trước hạn đã giúp người gửi tiết kiệm đỡ thiệt hơn rất nhiều.
Hạ Vy