• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022: Nhóm cổ phần nhiều "tham vọng"

Trong khi con số tăng trưởng mục tiêu của ngân hàng nhóm Big4 được nhận định là lạc quan thì tại một số ngân hàng cổ phần, những kỳ vọng về kết quả năm 2022 có thể đánh giá là khá tham vọng. Có ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng tới ba chữ số.

2817-cp33

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Bước sang năm 2022, kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ khởi sắc khi các hoạt động kinh tế được khôi phục trong thời kỳ bình thường mới, nhiều gói hỗ trợ, kích thích kinh tế đang được nghiên cứu triển khai để hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân.

Đó cũng là một trong những động lực chính khiến các ngân hàng khá lạc quan với tình hình kinh doanh trong năm nay.

Tại hội nghị triển khai công tác hoạt động kinh doanh năm 2022, ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 12%, tương đương hơn 30.600 tỷ đồng, đây tiếp tục là con số lợi nhuận cao kỷ lục trong toàn hệ thống.

Cùng với đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đưa ra là 12% (phù hợp với mức cấp của NHNN), tổng tài sản tăng 8%. Nợ xấu duy trì dưới 1,5%; thị phần thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại trên 16%.

Một "ông lớn" khác là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn với kỳ vọng lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10% - 20%. Với mức này lợi nhuận trước thuế kế hoạch dao động trong khoảng 19.348 - 21.107 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu trên, ngân hàng ước tính kế hoạch tăng trưởng tín dụng khoảng 10% - 14%; nguồn vốn huy động tăng trưởng 10% - 12%; tổng tài sản tăng trưởng khoảng 5% - 10%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

2414-nhk

Kế hoạch lợi nhuận của một số ngân hàng trong năm 2022. (Nguồn: Phương Nga tổng hợp)

Nhóm ngân hàng cổ phần nhiều "tham vọng"

Trong khi con số tăng trưởng mục tiêu của ngân hàng nhóm Big4 được nhận định là lạc quan thì tại một số ngân hàng cổ phần, những kỳ vọng về kết quả năm 2022 có thể đánh giá là khá tham vọng. Có ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng tới ba chữ số.

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) hé lộ kế hoạch năm 2022 với lợi nhuận trước thuế 2022 tăng 127% so với kết quả năm 2021, tương đương khoảng 2.500 tỷ đồng.

Tổng tài sản cuối kỳ dự kiến tăng 7,8% so với đầu năm, đạt 179.000 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 6,5%, mục tiêu đạt 147.600 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng tăng 13,5%, ước đạt 131.400 tỷ đồng.

Con số trên là một thách thức với Eximbank khi trong năm 2021, lợi nhuận ngân hàng sụt giảm 10% so với năm 2020 (1.205 tỷ đồng) và không đạt kế hoạch lợi nhuận năm là 1.300 tỷ (thấp hơn 40% so với kế hoạch ban đầu). Đồng thời, năm 2022, Eximbank dự kiến sẽ tiếp tục có những xáo trộn về bộ máy lãnh đạo.

Nhiều ngân hàng khác cũng công bố kế hoạch tăng trưởng cao như VIB, MSB, VPBank,...

Cụ thể, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ đồng; 265.600 tỷ đồng và 280.600 tỷ đồng, theo tài liệu dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2022.

Cũng trong năm nay, ngân hàng đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Trong đó, ngân hàng dự kiến chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng tiết lộ kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng- tương đương 30%, tăng trưởng tín dụng ở mức trên 20% tùy vào sự phê duyệt của NHNN, quy mô tài sản đạt 230.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chiến lược tập trung chuyển đổi số, số hóa ngân hàng hiện hữu tiếp tục được MSB đẩy mạnh với mục tiêu cải thiện chi phí, tăng CASA hướng tới mốc 40.000 tỷ năm 2023, dự kiến hoàn thành sớm trong năm 2022.

Ngoài ra, thương vụ bán 100% cổ phần tại công ty tài chính FCCOM dự kiến sẽ hoàn tất và hạch toán lợi nhuận trong năm 2022. Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư hôm 21/12, Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết thương vụ chuyển nhượng FCCOM sẽ mang lại cho MSB khoản lợi nhuận khoảng 2.000 tỷ đồng.

2613-msb2

Định hướng kế hoạch giai đoạn 2022 - 2024 của MSB (Nguồn: MSB)

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), ngân hàng dự kiến tăng trưởng dư nợ tín dụng 18-20% tính riêng tại ngân hàng mẹ, nâng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) lên 23-27%. Tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 kỳ vọng tích cực hơn năm 2021.

Ngoài ra, lãnh đạo VPBank còn kỳ vọng vào sự phục hồi của khách hàng VPBank, đặc biệt là khách hàng của Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) với kịch bản FE Credit có thể quay trở lại mức lợi nhuận 5.000-6.000 tỷ đồng trong năm 2022, theo TTXVN.

Dự báo bức tranh kinh doanh ngành ngân hàng, giới phân tích cho rằng bức tranh tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 sẽ thấp hơn 2021 khi phải cân bằng kiểm soát rủi ro, dự báo lợi nhuận chỉ tăng 19%, thấp hơn năm 2021.

Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng hoạt động kinh doanh các ngân hàng năm 2022 nhìn chung sẽ tiếp tục duy trì tích cực.

Cụ thể, công ty chứng khoán cho rằng nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ được hỗ trợ bởi các câu chuyện chia cổ tức và kỳ vọng phát hành riêng lẻ đối tác nước ngoài trong quý I/2022, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân sẽ có điểm rơi về tin tức và tăng trưởng kể từ quý II và quý III năm 2022.

Lưu Lâm (TH)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...