Những ngân hàng nào "sáng cửa" được nới room ngoại lên 49%?
Hiện đang có nhiều nhận định khác nhau xung quanh câu chuyện ngân hàng nào sẽ điền tên vào danh sách hai ngân hàng được nâng room ngoại lên tối đa 49% như cam kết trong EVFTA.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Hiện đang có nhiều nhận định khác nhau xung quanh câu chuyện ngân hàng nào sẽ điền tên vào danh sách hai ngân hàng được nâng room ngoại lên tối đa 49% như cam kết trong EVFTA.
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mới đây đã đề xuất, để tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, đồng thời mở rộng cơ hội hút vốn ngoại, Việt Nam nên xem xét điều chỉnh tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài tại các ngân hàng bởi trên thực tế một số ngân hàng đã có tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chạm hoặc gần chạm trần 30%.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 có nội dung là trong vòng 5 năm kể từ khi ký kết, Việt Nam cam kết cho phép các tổ chức tín dụng EU được nâng mức nắm giữ lên tối đa 49% vốn điều lệ của hai NHTMCP tại Việt Nam (trừ nhóm Big 4).
Khá nhiều nhận định khác nhau xung quanh câu chuyện ngân hàng nào sẽ điền tên vào danh sách hai ngân hàng được nâng room ngoại lên tối đa 49% như cam kết, song hiện chưa ngã ngũ.
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, ứng viên phù hợp nhất là Sacombank bởi 32,5% cổ phiếu đang lưu hành của Sacombank đang là tài sản thế chấp cho khoản nợ chưa thanh toán được đã chuyển nhượng cho VAMC. Số cổ phần này vượt quá ngưỡng 30% nên việc bán sẽ phải được thực hiện theo một miễn trừ đặc biệt như EVFTA.
Còn Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam thì cho hay, HDBank cũng là cái tên đang được xem xét để nới room nước ngoài lên 49% theo EVFTA.
Chứng khoán MB (MBS) cũng gợi ý 4 cái tên có thể đáp ứng đủ tiêu chí và hết room ngoại gồm Techcombank, VPBank, ACB và TPBank.
Gần đây, nhiều ngân hàng cũng đã thực hiện nới room ngoại. Cụ thể, VPBank vừa có văn bản chính thức về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng lên 17,5% vốn điều lệ.
Trước đó, VPBank đã thông báo lấy ý kiến cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ. Việc điều chỉnh room ngoại lên 17,5% là tỷ lệ đủ để VPBank có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ sau khi phát hành.
SHB mới đây cũng đã nới room ngoại từ 10% lên mức tối đa là 30% trong bối cảnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng này khá thấp so với các nhà băng khác, chỉ ở mức trên 3,3% vào ngày 4/3.
Bên cạnh các ngân hàng đã được nới room ngoại, nhiều ngân hàng cũng đang tích cực lên kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
OCB cho biết, ngân hàng đang đàm phán với đối tác để chốt room ngoại bán nốt 10% room còn lại. Lãnh đạo Sacombank cũng cho biết ngân hàng này dự định bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sau khi hoàn tất tái cơ cấu trong năm 2022.
"Ông lớn" Vietcombank hiện đang đề xuất, bên cạnh giữ lại lợi nhuận, trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, cơ quan quản lý cần xem xét cho phép ngân hàng tăng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 35% để họ đáp ứng tốt hơn các quy định về an toàn vốn và có thêm nguồn lực mở rộng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Anh Khôi