Campuchia gia nhập đường đua, sầu riêng Việt thêm đối thủ cạnh tranh
Campuchia trở thành quốc gia thứ 5 sau Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines ký Nghị định thư về xuất khẩu (XK) sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc.
Như vậy, trong khu vực Đông Nam Á, đã có 5 quốc gia được phép XK sầu riêng vào thị trường tỷ dân. Dù chưa vào chính vụ thu hoạch nhưng giá sầu riêng đang giảm. Nỗi lo “sầu riêng” thành “sầu chung” đang hiện hữu nếu vấn đề thị trường không sớm được giải quyết.
Mục tiêu XK sầu riêng năm 2025 đạt 3,5 tỷ USD (Ảnh minh họa).
XK sầu riêng sụt giảm kéo kim ngạch XK rau quả giảm mạnh
Từ khi Việt Nam và Trung Quốc ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật để XK sầu riêng sang Trung Quốc, sầu riêng tươi của Việt Nam chính thức được XK sang thị trường này, tất cả doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân đều hy vọng hoạt động XK được diễn ra thuận lợi, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân.
Theo thống kê từ cơ quan Hải quan Trung Quốc, hai tháng đầu năm nay, quốc gia này chi hơn 120 triệu USD để nhập khẩu 22.980 tấn sầu riêng nguyên quả, giảm mạnh 56,8% về lượng và giảm 57,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines là 4 nhà cung cấp sầu riêng chính cho thị trường Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam và Thái Lan, hai quốc gia còn lại hiện tại chỉ chiếm thị phần chưa tới 1%.
Tuy nhiên, với sầu riêng Campuchia, kể từ năm 2023, các thương nhân Thái Lan và Trung Quốc ngày càng quan tâm đến việc thu mua sầu riêng Campuchia. Ngoài ra, các công ty trái cây và nhà nhập khẩu Trung Quốc tích cực đầu tư vào Campuchia để thành lập các dự án trồng sầu riêng.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, kim ngạch XK sầu riêng sụt giảm từ đầu năm đến nay đã kéo kim ngạch XK toàn ngành giảm mạnh. Ước sơ bộ 4 tháng đầu năm, XK rau quả đạt 1,6 tỷ USD, giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, tính đến hết quý I/2025, XK sầu riêng chỉ thu về 98 triệu USD, xếp thứ 3 trong số những mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam. Trong đó, XK thanh long chiếm lại vị trí đứng đầu với kim ngạch đạt gần 155 triệu USD. Xếp ở vị trí thứ 2 là chuối với 128 triệu USD.
Về sầu riêng, theo ông Đặng Phúc Nguyên, hiện nay Trung Quốc vẫn đang kiểm tra 100% các lô hàng sầu riêng từ Việt Nam, tương tự như với Thái Lan. Điều này dẫn đến tình trạng hàng hóa phải chờ lâu tại cửa khẩu, gây hư hỏng và xuống cấp chất lượng.
Hết quý I/2025, XK sầu riêng chỉ thu về 98 triệu USD, xếp thứ 3 trong số những mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam (Ảnh minh họa).
Sầu riêng thêm đối thủ cạnh tranh
Giữa tháng 4/2025, Campuchia và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật để XK sầu riêng tươi từ Campuchia sang Trung Quốc, trở thành quốc gia thứ 5 ký nghị định thư về XK sầu riêng tươi sang Trung Quốc, rõ ràng trái sầu riêng Việt Nam có thêm đối thủ cạnh tranh.
Ngoài Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Campuchia, còn có 2 quốc gia khác đang tiến rất gần đến việc hoàn tất thỏa thuận XK sầu riêng sang thị trường này. Cụ thể, Indoneisa với mặt hàng sầu riêng đông lạnh và Lào đang trong quá trình chuẩn bị tài liệu để mở cửa thị trường và đã được chấp thuận về nguyên tắc cho việc XK.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, mùa sầu riêng Campuchia chủ yếu diễn ra từ tháng 5, tháng 6. Trong khi sầu riêng Việt Nam có quanh năm, trong đó, chính vụ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 11 và trái vụ tại khu vực miền Tây diễn ra từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Đây được cho là lợi thế của sầu riêng Việt.
Hiện Campuchia có tổng cộng 5.289 ha đất trồng sầu riêng, trong đó đã đưa vào sản xuất 3.403 ha, sản lượng hàng năm đạt 36.656 tấn. Đối với diện tích trồng sầu riêng tại Việt Nam hiện đã trên 155 nghìn ha, với tổng sản lượng năm 2024 đã vượt 1,2 triệu tấn/năm. Như vậy, con số diện tích và sản lượng sầu riêng của Campuchia còn kém xa Việt Nam.
Kỳ vọng giá trị XK rau quả nói chung và sầu riêng nói riêng sẽ khởi sắc trở lại trong quý II này, ông Đặng Phúc Nguyên dự báo, riêng với mặt hàng sầu riêng, XK sẽ tăng lên nhờ vào nguồn cung và nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Dù vậy, theo ông Nguyên, điểm mới đáng chú ý, liên quan đến yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng tươi Campuchia XK sang thị trường này đó là lần đầu tiên Trung Quốc quy định cấm sử dụng bất kỳ chất phụ gia không ăn được nào trong quá trình đóng gói sầu riêng, với mục tiêu tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước.
“Đây là một bước đi cho thấy Trung Quốc đang nâng cao hơn nữa các tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng nông sản, thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt sau những sự cố liên quan đến dư lượng chất cấm được phát hiện trong một số lô hàng sầu riêng hồi đầu năm 2025. Để gia tăng kim ngạch XK, các doanh nghiệp, người sản xuất phải chú trọng vào việc nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm, tuyệt đối không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và kim loại nặng theo quy định của nước nhập khẩu”, ông Nguyên lưu ý.
Bên cạnh đó, đơn vị XK cần đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường tỷ dân, trong đó có việc tuân thủ nghiêm về quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, quy trình...
Ông Phạm Quốc Dũng - Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch (thôn Phước Hòa, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) - thông tin, hợp tác xã có 200 ha trồng sầu riêng, vào khoảng tầm tháng 8 mới có sầu riêng thu hoạch.
Trong bối cảnh thị trường đầu ra gặp nhiều khó khăn, hiện hợp tác xã đang đẩy mạnh công tác liên kết với các đơn vị để đẩy nhanh đưa vào cấp đông sầu riêng, đồng thời, phối hợp với các trung tâm xúc tiến thương mại tại các địa phương như Cao Bằng, Lạng Sơn, Đà Nẵng… để rộng cửa thị trường nội địa theo hình thức bán cho khách du lịch.
Dù vậy, ông Phạm Quốc Dũng cho rằng, nhu cầu thực tế của XK mà cụ thể ở đây là thị trường Trung Quốc vẫn rất lớn. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng, yêu cầu về minh bạch thông tin là hết sức cần thiết lúc này. Có như vậy, mục tiêu XK sầu riêng năm 2025 đạt 3,5 tỷ USD mới không trở thành thách thức.