EU kêu gọi đoàn kết trước sức ép thuế quan từ Mỹ
Liên minh châu Âu (EU) đang kêu gọi tăng cường đoàn kết nội khối nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa tuyên bố sẽ áp thuế 30% đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU, bắt đầu từ ngày 1-8.
Trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng thương mại EU vào ngày 14-7, nhóm Renew Europe (Phục hưng châu Âu) theo chủ nghĩa tự do và trung dung trong Nghị viện châu Âu, đã kêu gọi các quốc gia EU có phản ứng thống nhất nhằm bảo vệ lợi ích chiến lược của khối trước sức ép thuế quan từ Mỹ, đồng thời duy trì nguyên tắc thương mại công bằng và dựa trên luật lệ.
![]() |
Các container đang được vận chuyển tại cảng Long Beach, California, Mỹ, ngày 11-7. Ảnh: Reuters |
Nhóm này cho rằng động thái đơn phương áp thuế của chính quyền Washington là một đòn tấn công trực tiếp vào người lao động, doanh nghiệp và người tiêu dùng EU, đồng thời có nguy cơ gây tổn hại thêm cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vào thời điểm quan trọng như hiện nay. “EU không được phép lùi bước. Chúng ta cần phải đoàn kết và sẵn sàng có biện pháp đáp trả nếu chính quyền Mỹ từ chối một thỏa thuận thương mại công bằng với EU. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục củng cố các mối quan hệ đối tác toàn cầu, dựa trên các nguyên tắc cốt lõi của thương mại quốc tế là công bằng và dựa trên luật lệ”, Nghị sĩ Nghị viện châu Âu Karin Karlsbro, báo cáo viên thường trực của nhóm Renew Europe về quan hệ thương mại EU-Mỹ đồng thời là Phó chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu, khẳng định.
Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof ngày 12-7 cho rằng thông báo của Mỹ về việc áp thuế 30% đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, EU vẫn cần phải đoàn kết và kiên định theo đuổi kết quả cùng có lợi với Washington.
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố EU sẵn sàng đàm phán trước thời hạn 1-8, nhưng khẳng định sẽ kiên định bảo vệ lợi ích của khối và không ngần ngại đưa ra các biện pháp đáp trả tương xứng. Bà cảnh báo rằng thuế quan mới có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng xuyên Đại Tây Dương, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người tiêu dùng ở cả hai bờ đại dương.
EU là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ với kim ngạch hàng hóa và dịch vụ song phương đạt 1.700 tỷ euro trong năm 2024. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của châu Âu sang Mỹ gồm dược phẩm, ô tô, máy bay, hóa chất, thiết bị y tế và rượu. Chủ tịch EC cho biết, EU cần ưu tiên giải pháp đàm phán thuế quan với Mỹ. Theo thông tin mới nhất mà bà Ursula von der Leyen công bố, EU sẽ hoãn áp dụng các biện pháp đáp trả thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ đến ngày 1-8, thay vì từ ngày 14-7 theo kế hoạch.
Theo Reuters, trước đó, các quan chức EU đã cân nhắc khả năng triển khai thuế đáp trả với 21 tỷ euro hàng hóa Mỹ, nhằm phản ứng với mức thuế 50% mà Washington đã áp dụng với thép và nhôm từ tháng 6-2025. Ngoài ra, EU đã chuẩn bị sẵn hai gói thuế quan bổ sung có thể đánh vào tổng cộng 93 tỷ euro hàng hóa Mỹ nếu cần thiết.
Trên khắp châu Âu, các lãnh đạo đã nhanh chóng lên tiếng ủng hộ phản ứng mạnh mẽ từ Brussels. Bộ trưởng Kinh tế Đức Katherina Reiche thừa nhận cần một “giải pháp thực dụng”, song cảnh báo mức thuế mới sẽ giáng đòn mạnh vào các doanh nghiệp xuất khẩu châu Âu và gây tổn hại cho cả hai nền kinh tế.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố trên mạng xã hội X rằng EU phải thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình, đồng thời gợi ý sử dụng Công cụ chống cưỡng ép (ACI), cho phép khối này trả đũa các quốc gia tìm cách gây áp lực lên các thành viên EU, bằng cách áp đặt hàng rào thuế quan, hạn chế nhập khẩu, cho đến hạn chế đầu tư và khả năng tiếp cận thị trường của khối.
Những thông báo thuế quan mới nhất của Mỹ đang gây choáng váng cho các đối tác thương mại truyền thống, kể cả EU vốn đang kỳ vọng có thể nối lại đàm phán với Mỹ về một thỏa thuận thương mại toàn diện sau nhiều năm gián đoạn. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa cảnh báo thuế quan của Mỹ có thể đẩy lạm phát lên cao, làm gia tăng bất ổn và kìm hãm tăng trưởng. Trong khi, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson gọi động thái của chính quyền Tổng thống Donald Trump là “leo thang đơn phương” và khẳng định người tiêu dùng Mỹ sẽ là bên chịu tổn thất nặng nề nhất.
Các chuyên gia kinh tế châu Âu đã đồng loạt cảnh báo về hậu quả của làn sóng thuế quan mới. Chuyên gia kinh tế Carsten Brzeski của ING Research cho rằng, tình thế hiện tại là “giai đoạn sống còn” cho thương mại xuyên Đại Tây Dương, đồng thời khẳng định diễn biến này sẽ làm thị trường thêm biến động và khó lường.
GIA HUY