• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

G20 nhấn mạnh thông điệp đoàn kết trong bối cảnh xung đột

Hội nghị Thượng đỉnh G20 khai mạc tại Bali, Indonesia ngày 15.11 với lời kêu gọi đoàn kết khi chiến sự Ukraina là nội dung hàng đầu trong chương trình nghị sự cùng với những lo ngại về lạm phát toàn cầu, lương thực và an ninh năng lượng.

G20 nhấn mạnh thông điệp đoàn kết trong bối cảnh xung đột

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Indonesia Joko Widodo gặp mặt bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 14.11. Ảnh: AFP

Kêu gọi chấm dứt chiến tranh

Tổng thống Indonesia Joko Widodo khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 với lời kêu gọi thế giới "chấm dứt chiến tranh" và làm cầu nối cho những khác biệt trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraina thúc đẩy căng thẳng địa chính trị và dẫn tới tăng giá lương thực và năng lượng toàn cầu. 

Nhấn mạnh Indonesia rất vinh dự được đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh G20, ông Widodo cho hay: “Tôi hiểu rằng chúng ta cần những nỗ lực rất lớn để có thể ngồi cùng nhau trong căn phòng này". Trước các cuộc thảo luận kín, Tổng thống Indonesia nói rằng, không thể để thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh khác và các thành viên G20 phải hành động để "chấm dứt chiến tranh". “Chúng ta không có lựa chọn nào khác, cần hợp tác để cứu thế giới. G20 phải là chất xúc tác cho phục hồi kinh tế toàn diện. Chúng ta không nên chia thế giới thành nhiều phần. Chúng ta không được để thế giới rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh khác" - ông nói.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhấn mạnh về đoàn kết và hành động cụ thể để hàn gắn nền kinh tế toàn cầu bất chấp những rạn nứt sâu sắc bởi xung đột. “Có trách nhiệm nghĩa là không tạo ra những tình huống có tổng bằng 0 (zero-sum), có trách nhiệm ở đây cũng có nghĩa là chúng ta phải kết thúc chiến tranh. Nếu chiến tranh không kết thúc, thế giới sẽ khó tiến về phía trước” - nhà lãnh đạo Indonesia nói thêm. Indonesia đã nỗ lực đóng vai trò hòa giải trong xung đột. Ông Joko Widodo từng thăm Kiev và Mátxcơva trong năm nay.  

Cùng ngày 15.11, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nói với các nhà lãnh đạo của các quốc gia giàu có nhất thế giới rằng bây giờ là thời điểm để ngăn chặn cuộc xung đột ở Ukraina theo một kế hoạch hòa bình mà ông đã đề xuất. 

Trao đổi trực tuyến với các nhà lãnh đạo của G20, ông Zelensky nói rằng, xung đột nên được kết thúc "một cách chính đáng và trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế".

Nhà lãnh đạo Ukraina kêu gọi khôi phục "an toàn bức xạ" liên quan đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, áp đặt các biện pháp hạn chế về giá với các nguồn năng lượng của Nga và mở rộng sáng kiến ​​xuất khẩu ngũ cốc. Ông cũng kêu gọi trả tự do cho tất cả các tù nhân Ukraina. "Chúng ta chắc chắn sẽ cùng nhau thực hiện công thức hòa bình" - ông nói.

Không chắc chắn về thông cáo chung

Hội nghị G20 đang diễn ra là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi xung đột Nga-Ukraina bùng phát ngày 24.2. G20 gồm 19 quốc gia và Liên minh Châu Âu, đại diện cho 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới, 75% thương mại quốc tế và 60% dân số thế giới. 

Nhiều nguồn tin ngoại giao lưu ý với Reuters, dường như khó đạt được thông cáo chung của G20 bởi cần được tất cả các bên nhất trí. Thay vào đó Indonesia đang thúc đẩy tuyên bố của các nhà lãnh đạo G20. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho hay, đã có một thỏa thuận "tích cực" giữa các quan chức về một thông cáo văn bản tính đến tối 14.11. 

Các nhà lãnh đạo G20 sẽ lên án việc sử dụng, hoặc có bất kỳ mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nào, theo bản dự thảo mà Reuters xem trước. Tuy nhiên, thông cáo như vậy cũng cần được các nhà lãnh đạo thông qua. Các cuộc họp giữa các bộ trưởng G20 đã không đưa ra được thông cáo chung do bất đồng giữa Nga và các thành viên khác về nội dung, bao gồm cách đề cập tới chiến sự Ukraina. 

Một dấu hiệu tích cực trước thềm hội nghị thượng đỉnh là cuộc gặp song phương kéo dài 3 giờ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó hai nhà lãnh đạo cam kết liên lạc thường xuyên hơn bất chấp nhiều khác biệt. Cuộc gặp ngày 14.11 là lần đầu tiên 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc gặp mặt trực tiếp kể từ khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ. Cuộc đàm phán dường như báo hiệu sự cải thiện trong quan hệ giữa các siêu cường sau khi mối quan hệ xấu đi trong thời gian gần đây. 

Ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình "nhấn mạnh sự phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraina" trong cuộc họp ngày 14.11, theo tuyên bố của Nhà Trắng. Tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc cũng cho biết, ông Tập Cận Bình nói với ông Joe Biden rằng vũ khí hạt nhân không thể được sử dụng và không thể tiến hành chiến tranh hạt nhân.

Shi Yinhong, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh cho biết: “Các cuộc gặp không mang tính quyết định nhưng là một bước quan trọng để nỗ lực giảm bớt bất đồng".


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết