• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá thực phẩm của Nga tăng vọt, người dân lao đao vì lạm phát

Vụ đột nhập vào một cửa hàng thực phẩm nhỏ ở thành phố Yekaterinburg của Nga vừa diễn ra vào đầu tháng 11 cũng phản ánh phần nào tình hình khó khăn do lạm phát, giá thực phẩm tăng cao ở Nga.

Nạn trộm bơ

Đoạn phim CCTV từ cửa hàng Dairy Place vào đầu tháng 11 dường như cho thấy cánh cửa bị đập vỡ và một người vội vã chạy đến để lấy hết tiền trong máy tính tiền. Người còn lại chạy thẳng đến tủ lạnh, cướp sạch 20kg bơ trong tủ lạnh, truyền thông Nga đưa tin.

Chủ cửa hàng cho biết trên Telegram rằng vụ trộm cho thấy bơ giờ giống như “vàng”.

gia thuc pham cua nga tang vot nguoi dan lao dao vi lam phat hinh 1

Giá bơ tại Nga đã tăng 26% trong một năm qua. (Ảnh minh hoạ: Reuters).

Cửa hàng Dairy Place không phải là nạn nhân duy nhất của nạn trộm bơ, với một loạt các vụ việc tương tự gần đây khiến một số cửa hàng phải khóa sản phẩm trong các thùng chứa. Một thanh bơ tiêu chuẩn 200g hiện có giá khoảng 200 Ruble, hoặc gần 2 USD, với giá tăng 30% kể từ tháng 12/2023, theo dữ liệu từ dịch vụ thống kê nhà nước Rosstat.

Việc đánh cắp một sản phẩm cơ bản như vậy đã thu hút sự chú ý đến tình trạng giá cả tăng tràn lan ở Nga.

“Giá thực phẩm cơ bản đã tăng trong ba năm qua. Nó đang trở nên tồi tệ hơn và tăng tốc từng ngày, đặc biệt là trong năm nay”, Stanislav, một cư dân Moscow nói với CNBC.

“Tất nhiên, điều đó phụ thuộc vào loại thực phẩm. Một số loại hàng hóa có giá giảm, ví dụ như kiều mạch. Giá của nó cao hơn vào năm 2020 trong đại dịch Covid-19, nhưng hiện tại đã giảm 3 lần. Nhưng đây là ví dụ duy nhất về việc giá giảm. Tất cả giá thực phẩm khác đều đang tăng. Tôi nghĩ là khoảng 10%–40% mỗi năm”, ông nói thêm.

Cô Maria, một cư dân ở Moscow, cho biết: “Tôi định mua bộ áo giữ nhiệt cho con gái ba tuổi với kiểu dáng y hệt năm ngoái mà chỉ tăng thêm một cỡ. Nhưng giá bán đã tăng gấp đôi. Tôi không hiểu nổi làm sao một số người có thể nói cuộc sống ở Nga chẳng có gì thay đổi so với trước”.

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Nga đạt 8,5% vào tháng 10, cao hơn nhiều so với mục tiêu 4% của Ngân hàng trung ương. Điều này đã thúc đẩy ngân hàng tăng lãi suất lên 21% vào tháng trước - mức cao nhất trong hơn 20 năm - và dự kiến sẽ tăng thêm vào tháng 12.

Lãi suất cao cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ làm giảm tốc độ tăng giá, đặc biệt là lạm phát thực phẩm được người mua sắm cảm nhận rõ rệt. Các sản phẩm từ sữa, dầu hướng dương và rau quả (đặc biệt là khoai tây đã tăng giá 74% kể từ tháng 12 năm ngoái) nằm trong số các mặt hàng đang chứng kiến giá tăng liên tục khi cầu vượt cung, theo dữ liệu hàng tuần từ dịch vụ thống kê Rosstat.

Anton Barbashin, một nhà phân tích chính trị người Nga và là Tổng biên tập tạp chí Riddle, cho biết giá cả tăng là điều không thể tránh khỏi đối với hầu hết người dân, ông nói với CNBC rằng: “Theo nghĩa đen, một nửa số người Nga chi phần lớn thu nhập của mình vào thực phẩm, vì vậy họ cảm thấy lạm phát nhiều nhất. Lạm phát sản phẩm hiện là động lực lớn nhất cho lạm phát. Vì vậy, giá cả hàng hóa cơ bản, thực phẩm và các mặt hàng cá nhân khác đang tăng nhiều nhất”.

 

“Cho đến nay, chiến lược của hầu hết người Nga là hạ thấp mức tiêu dùng của họ, lựa chọn hàng hóa chất lượng thấp hơn. Hoãn mọi giao dịch mua dài hạn. Tuy nhiên, căng thẳng này không được phân bổ đều. Moscow vẫn chưa cảm nhận được những rắc rối. Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là người dân ở các thị trấn nhỏ nhất và vùng nông thôn”, ông nhấn mạnh.

Có phải do gia tăng chi tiêu quốc phòng?

Áp lực lạm phát ở Nga và trên toàn châu Âu đã trở nên trầm trọng hơn do cuộc xung đột đang diễn ra giữa Moscow và Ukraine, khi chi phí thực phẩm tăng cao do thiếu hụt nguồn cung và lao động, chi phí tiền lương cao hơn, lệnh trừng phạt và chi phí sản xuất tăng.

gia thuc pham cua nga tang vot nguoi dan lao dao vi lam phat hinh 2

Người dân Nga mua sắm tại siêu thị Okey ở St. Petersburg. (Nguồn: Sopa Images | Lightrocket | Getty Images)

Những điều này đi kèm với sự chuyển dịch của nền kinh tế Nga kể từ cuộc xung đột Ukraine vào năm 2022, với sự gia tăng lớn trong chi tiêu quốc phòng nhà nước và sản xuất phần cứng quân sự trong nước được ưu tiên hơn sản xuất nông nghiệp. Nền kinh tế Nga đã hoạt động tốt hơn dự kiến kể từ khi bắt đầu cuộc xâm đột, khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến nền kinh tế này sẽ tăng trưởng 3,6% trong năm nay.

“Nói rằng chúng ta chi quá nhiều tiền cho súng và quên mất bơ - điều này không đúng. Tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả, chính xác là tất cả các kế hoạch phát triển và đạt được các mục tiêu chiến lược đã công bố trước đó và tất cả các cam kết xã hội mà nhà nước đảm nhận đối với người dân - tất cả đều đang được thực hiện hết mức”, ông Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể của Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai vào tháng 10, hãng thông tấn TASS đưa tin.

Trong khi nhiều người Nga liên hệ xung đột với lạm phát, thì việc công dân bình thường công khai chỉ trích cuộc xung đột - hay “chiến dịch quân sự đặc biệt” theo cách gọi của Moscow - là rất mạo hiểm vì bất kỳ hành động nào được cho là “làm mất uy tín” của quân đội đều có thể bị phạt tiền và bỏ tù.

Stanislav, người không muốn tiết lộ họ của mình vì những rủi ro liên quan đến việc chỉ trích cuộc xung đột, cho biết: “Những người thông minh... hiểu được những gì đang xảy ra với nền kinh tế, nhưng hầu hết mọi người đều đổ lỗi cho các quốc gia nước ngoài là nguyên nhân gây ra tình trạng giá cả tăng. Thuật ngữ chính thức; quốc gia không thân thiện’ này thường được sử dụng trong các dự luật và tuyên truyền”, ông nói.

Dù vậy, Điện Kremlin vẫn cố gắng trấn an công chúng rằng họ đang hành động để giải quyết tình trạng thiếu hụt sản phẩm.

Năm ngoái, tình trạng thiếu hụt trứng và giá tăng hơn 40% đã thúc đẩy Chính phủ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với sản phẩm này. Chính quyền cho biết họ sẽ mua trứng từ các quốc gia “thân thiện” và trong quý đầu tiên, Nga đã nhập khẩu 235 triệu quả trứng từ Belarus, Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ, theo báo chí Nga đưa tin.

Tháng 10 vừa qua, chính phủ cho biết họ sẽ theo dõi giá bơ và sẽ hỗ trợ “tăng sản lượng một cách có hệ thống” vì ngành công nghiệp sữa vẫn đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu.

Hồng Vân (Theo CNBC)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...