Kịch bản nào cho thế giới nếu Mỹ cấm dầu Nga
Thông tin Mỹ tính cấm nhập khẩu dầu của Nga đã khiến giá dầu thô Brent tăng vọt lên gần 140 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008.
Theo Reuters, Nga là nước xuất khẩu các sản phẩm dầu và dầu thô hàng đầu thế giới với khoảng 7 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nguồn cung toàn cầu. Nếu Mỹ thực sự cấm nhập khẩu dầu Nga thì sẽ tạo nên một kịch bản chưa từng có, làm tăng giá dầu vốn đã cao ngất ngưởng và có nguy cơ gây ra cú sốc lạm phát. Đây là một số hậu quả có thể xảy ra của lệnh cấm:
Giá dầu leo thang
Các chính phủ phương Tây không trực tiếp trừng phạt ngành năng lượng của Nga, nhưng một số khách hàng đã tránh xa dầu của Nga để tránh vướng vào những rắc rối pháp lý sau này.
JP Morgan dự đoán dầu có thể đạt kỷ lục 185 USD/thùng vào cuối năm 2022 nếu việc xuất khẩu dầu của Nga bị gián đoạn kéo dài.
Lần cuối cùng giá dầu trên 100 USD là vào năm 2014 và mức đạt được hôm 7.3 cách không xa so với mức đỉnh hơn 147 USD vào tháng 7.2008.
Giovanni Staunovo - một chuyên gia phân tích tại UBS - cho hay: "Cuộc chiến kéo dài gây gián đoạn nguồn cung hàng hóa trên diện rộng có thể khiến giá dầu Brent tăng lên trên mốc 150 USD/thùng.
Cú sốc lạm phát
Với giá khí đốt tự nhiên đạt mức cao nhất mọi thời đại, chi phí năng lượng tăng cao dự kiến sẽ đẩy lạm phát lên trên mức 7% trong những tháng tới và ăn sâu vào sức mua của các hộ gia đình.
Theo quy luật thông thường, cứ mỗi 10% giá dầu tăng tính theo đồng euro sẽ làm tăng lạm phát của khu vực đồng euro thêm 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm. Kể từ ngày 1.1, giá dầu thô Brent tăng khoảng 80% tính theo đồng euro. Ở Mỹ, cứ mỗi lần giá dầu tăng 10 USD/thùng sẽ làm tăng lạm phát thêm 0,2 điểm phần trăm.
Ngoài là nhà cung cấp dầu và khí đốt lớn, Nga còn là nhà xuất khẩu ngũ cốc và phân bón lớn nhất thế giới và đồng thời là nhà sản xuất palladi, niken, than và thép hàng đầu. Cố gắng loại nền kinh tế nước này khỏi hệ thống thương mại sẽ ảnh hưởng đến một loạt các ngành công nghiệp và làm tăng thêm lo ngại về an ninh lương thực toàn cầu.
Ảnh hưởng tới tăng trưởng
Lệnh cấm đối với dầu của Nga sẽ tiếp tục làm chậm quá trình phục hồi toàn cầu sau đại dịch COVID-19.
Tính toán sơ bộ của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho thấy, chiến tranh có thể làm giảm mức tăng trưởng của khu vực đồng euro từ 0,3 đến 0,4 điểm phần trăm trong năm nay và 1 điểm phần trăm trong trường hợp xảy ra cú sốc nghiêm trọng.
Trong những tháng tới, sẽ có nhiều rủi ro về lạm phát đình trệ. Tuy nhiên, xa hơn nữa, tăng trưởng của khu vực đồng euro có thể sẽ vẫn mạnh mẽ.
Tại Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang ước tính mỗi lần giá dầu tăng 10 USD/thùng sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng 0,1 điểm phần trăm, mặc dù các nhà dự báo tư nhân cho rằng tác động này sẽ bị giảm bớt.
Ở Nga, thiệt hại có thể lớn và xảy ra ngay lập tức. JP Morgan ước tính, nền kinh tế Nga sẽ suy giảm 12,5%.
Áp lực nguồn cung
Với việc nhu cầu nhiên liệu hóa thạch tăng trở lại sau đại dịch nhưng nguồn cung trên thế giới vẫn eo hẹp, các nhà hoạch định chính sách sẽ chịu áp lực tăng cường nguồn cung mặc dù đã cam kết thúc đẩy năng lượng xanh.
Các cuộc đàm phán nhằm giải phóng Iran khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế đang trong giai đoạn tiến triển và giá dầu cao được thiết lập để kích thích đầu tư vào đá phiến của Mỹ, nhưng nguồn cung có thể không sớm xuất hiện để thay thế sản lượng của Nga.