• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lý do giới trẻ Trung Quốc thờ ơ với kết hôn

Giới trẻ Trung Quốc có xu hướng nghĩ rằng kết hôn không còn là điều cần thiết trong cuộc sống.

Lý do giới trẻ Trung Quốc thờ ơ với kết hôn

Sinh viên tốt nghiệp của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, Trung Quốc, năm 2019. Ảnh: Xinhua

Theo một cuộc khảo sát mới, hầu hết sinh viên đại học ở Trung Quốc không còn nghĩ kết hôn là điều cần thiết trong cuộc sống, trong khi các chính sách khuyến khích sinh con hầu như không làm thay đổi tâm lý miễn cưỡng lập gia đình của họ.

SCMP đưa tin, theo báo cáo được công bố vào tháng trước bởi nhiều tổ chức, trong đó có Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc, giờ đây giới trẻ Trung Quốc cho rằng việc kết hôn và lập gia đình không còn là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, họ chỉ coi kết hôn như một hình thức nâng cao chất lượng cuộc sống về mặt vật chất và tinh thần. Đây là sự thay đổi rõ rệt so với các thế hệ trước.

Các kết quả đã làm sáng tỏ cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ngày càng trầm trọng của Trung Quốc, khi nước này phải vật lộn với tỉ lệ sinh thấp kỷ lục và sự sụt giảm dân số chưa từng có trong lịch sử hiện đại.

“Độc lập khỏi đàn ông đã trở thành biểu tượng của phụ nữ đương đại, trong khi nền tảng tình cảm và sự ổn định nghề nghiệp trở thành điều kiện tiên quyết cho hôn nhân” - báo cáo viết.

“Hôn nhân không còn là điều kiện tiên quyết cho hành vi tình dục và hầu hết sinh viên đại học không còn coi ly hôn là điều đáng xấu hổ” - báo cáo cho biết thêm.

Số người kết hôn lần đầu ở Trung Quốc đã giảm xuống còn 11,6 triệu người vào năm ngoái, giảm gần 700.000 người so với năm trước, theo Niên giám thống kê Trung Quốc 2022. Con số này giảm mạnh so với mức cao nhất là 23,9 triệu người vào năm 2013.

Theo báo cáo, “gây dựng sự nghiệp trước khi lập gia đình” đã trở thành nguyên tắc cho cả nam giới và phụ nữ, trong khi “đau đớn khi sinh nở” là nỗi sợ hãi lớn của phụ nữ khi sinh con.

Điều này đã dẫn đến việc Trung Quốc đang phải đối mặt với tỉ lệ sinh thấp kỷ lục, kéo theo đó là sự sụt giảm dân số chưa từng có trong lịch sử. 

Lần đầu tiên trong 60 năm qua, dân số Trung Quốc sụt giảm, đạt 1,4118 tỉ người vào năm 2022, giảm 850.000 so với năm trước đó.

Báo cáo cho biết thêm, các chính sách được đưa ra để khuyến khích mọi người sinh con cũng có rất ít tác động đến mong muốn lập gia đình của những người trẻ tuổi.

Chỉ 8% sinh viên được khảo sát cho biết các biện pháp, bao gồm ưu đãi tiền mặt, làm tăng mong muốn sinh con của họ, trong khi hơn 40% cho biết họ không bị ảnh hưởng bởi chính sách sinh con thứ ba, được đưa ra vào tháng 5.2021.

Trẻ em một trường mẫu giáo ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Trẻ em một trường mẫu giáo ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

So với sự kém hiệu quả của các chính sách hỗ trợ sinh sản, sinh viên đại học hy vọng sẽ thấy nhiều chính sách hỗ trợ việc làm hơn.

Tỉ lệ thất nghiệp được khảo sát ở thành thị của Trung Quốc ở mức 5,5% trong tháng 12, giảm từ 5,7% trong tháng 11, nhưng tỉ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16-24 vẫn ở mức cao 16,7% trong tháng 12, giảm từ 17,1% trong tháng 12.

Báo cáo kết luận rằng các nhà hoạch định chính sách cần làm dịu xung đột giữa việc sẵn sàng lập gia đình và con đường sự nghiệp của những người trẻ tuổi, đồng thời chú ý nhiều hơn đến nhu cầu của phụ nữ và quan điểm của họ.

Phụ nữ Trung Quốc, đặc biệt là những người đã kết hôn và có con, được coi là dễ bị phân biệt đối xử hơn trong thị trường việc làm, trong khi nhiều người buộc phải lựa chọn giữa việc có con và sự nghiệp. Họ thường bị kìm hãm trong giai đoạn đầu của sự nghiệp do trách nhiệm nuôi dạy con cái.

Báo cáo cho biết mức độ chấp nhận cao đối với “sống thử khi chưa lập gia đình” song song với mức độ chấp nhận thấp đối với “sinh con ngoài giá thú” cũng là một mối đe dọa tiềm ẩn đối với tỉ lệ sinh thấp.

Các nhà nhân khẩu học coi các cuộc khảo sát là một cách quan trọng để hiểu những thay đổi cơ bản trong niềm tin của giới trẻ và cách thế hệ mới nghĩ về việc sinh con.

Tháng 9 năm ngoái, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành một cuộc khảo sát về hôn nhân và thai sản trên toàn quốc để hiểu rõ hơn về nguyên nhân khiến tỉ lệ kết hôn và sinh giảm ở nước này.

Trước đó, vào tháng 4, một báo cáo do Đại học Nhân dân Trung Quốc công bố cho thấy 61% sinh viên đại học được khảo sát cho biết sẽ kết hôn, trong khi 7% nói sẽ không.

Đối với sinh viên nam, mối quan tâm lớn nhất là chi phí kết hôn, trong khi sinh viên nữ quan tâm nhiều hơn đến tác động tiêu cực tới sự phát triển của bản thân.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết