• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mưu lớn của EU liệu có thành?

Chủ trương đã được quyết định nhưng nội bộ EU vẫn chưa nhất trí những gì cần phải nhất trí giữa các thành viên EU với nhau để thực hiện việc áp giá trần cho mua khí đốt đối với EU và cho xuất khẩu dầu mỏ của Nga.

Mưu lớn của EU liệu có thành?

EU tính áp giá trần với dầu mỏ của Nga. Ảnh: AFP

Cùng là áp giá trần, nhưng giá trần cho mua khí đốt đối với EU và cho xuất khẩu dầu mỏ của Nga lại là hai chuyện khác nhau.

Cho tới nay, EU đã thông qua 8 gói biện pháp trừng phạt Nga vì đã phát động cuộc chiến ở Ukraina với Ukraina. Để giảm dần và đi tới chấm dứt hoàn toàn sự lệ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của Nga, EU đã đưa ra lộ trình tiến tới ngừng hoàn toàn nhập khẩu khí đốt của Nga.

Ý tưởng của EU về áp giá trần cho mua khí đốt không nhằm vào Nga mà nhằm giúp các nước thành viên EU không phải mua khí đốt với giá cao trên thị trường. Còn áp giá trần cho xuất khẩu dầu mỏ của Nga lại nhằm triệt hạ nguồn thu lợi của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ. Trước đó, EU đã cấm vận Nga xuất khẩu dầu mỏ theo đường vận tải biển, có hiệu lực từ ngày 5.12 tới.

Áp giá trần ở đây trong thực chất là chỉ cho phép Nga xuất khẩu dầu mỏ với giá tối đa nhất định. Mỹ khởi xướng ý tưởng này. Nhóm G7 tiếp nhận nó và EU buộc phải theo. Cách làm của Mỹ, G7 và EU là buộc các hãng vận tải biển và các hãng bảo hiểm quốc tế - chủ yếu đóng trụ sở trên lãnh thổ các nước EU và G7 - chỉ chấp nhận vận tải dầu mỏ của Nga và bảo hiểm cho vận chuyển dầu mỏ xuất khẩu của Nga khi sử dụng giá trần nói trên trong giao dịch.

Trên thực tế, Nga vẫn xuất khẩu dầu mỏ, nhưng với giá thấp hơn, tức là thu lợi về được ít hơn. EU và G7 vẫn phải để cho Nga xuất khẩu dầu mỏ vì Nga là nước khai thác và xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 trên thế giới. Nếu Nga không xuất khẩu được dầu mỏ sẽ không thu lợi được nữa nhưng cũng sẽ làm cho giá dầu mỏ trên thị trường thế giới tăng mạnh và chính các nước thành viên EU và G7 sẽ không thể tránh khỏi bị tác động rất tiêu cực về kinh tế và xã hội.

Hiện tại, EU đề xuất mức giá trần này là 65-70USD/thùng (159 lít) nhưng chưa đạt được sự nhất trí cần thiết trong nội bộ để được thông qua. EU đã quyết định thực thi việc áp giá trần này từ ngày 5.12 tới.

Áp giá trần cho mua khí đốt và cho dầu mỏ đều là chuyện xưa nay chưa từng thấy đối với EU. Tuy nhiên, EU hiện vẫn chưa thống nhất trong nội bộ về thực hiện cụ thể cả hai chuyện như thế nào. Hiệu ứng chưa biết sẽ đến đâu nhưng ngay từ hiện tại đã có thể thấy nội bộ EU đã phân bè chia phái bởi các chuyện này. Nguyên do ở chỗ các thành viên EU bị ảnh hưởng tiêu cực với mức độ khác nhau bởi chính hai mưu tính lớn nói trên của EU và các thành viên EU có mức độ và bản chất quan hệ khác nhau với Nga.

EU và G7 rồi đây có thành công hay không với hai mưu tính nói trên phụ thuộc rất quyết định không phải vào chính họ mà vào biện pháp chính sách ứng phó của Nga. Nhiều nước đã chứng minh các biện pháp chính sách trừng phạt và bao vây, cấm vận của phương Tây tuy gây ra nhiều khó khăn cho họ nhưng cuối cùng không giúp phương Tây toại nguyện.

Không như các nước kia, chỉ cần Nga giữ được những khách hàng sộp truyền thống như Trung Quốc và Ấn Độ, chỉ cần Nga và các khách hàng khác của Nga tìm ra được cách thức vận chuyển và bảo hiểm mới cho xuất khẩu dầu mỏ, thì Nga sẽ hạn chế được rất đáng kể tác động tiêu cực và thiệt hại do biện pháp cấm vận và áp giá trần đối với khí đốt và dầu mỏ xuất khẩu của Nga.

Chỉ cần rồi đây giá năng lượng trên thị trường thế giới không giảm mà tăng hoặc ổn định trên mặt bằng giá cao thì EU và G7 sẽ thấm thía cái phản tác dụng của những toan tính kế sách của họ nhằm đối phó và đối địch Nga. Cho nên dẫu có đã quyết thì hiện EU và G7 hiện vẫn chưa thể dám chắc là chuyện áp giá trần cho dầu mỏ của Nga và khí đốt rồi đây sẽ thành công như họ kỳ vọng hay không.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết