Trung Quốc, Brazil kêu gọi bảo vệ trật tự thế giới đa cực
Trong cuộc gặp diễn ra vào ngày 13/5 tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã thể hiện sự đồng lòng mạnh mẽ trong việc thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực, công bằng hơn.
Hai nhà lãnh đạo tuyên bố củng cố quan hệ đối tác chiến lược và cùng kêu gọi các nước đang phát triển đoàn kết để bảo vệ lợi ích của Nam Bán cầu.
Ông Tập nhấn mạnh tình hữu nghị Trung - Brazil dựa trên “nền tảng vững chắc” trong bối cảnh thế giới ngày càng hỗn loạn. Ông cam kết cả hai nước sẽ bảo vệ thương mại tự do và chủ nghĩa đa phương để giữ cho kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng.
Ông Lula đồng tình và thẳng thắn chỉ trích chủ nghĩa đơn phương, bảo hộ thương mại, ám chỉ đến chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.
Hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến việc ký kết khoảng 20 thỏa thuận hợp tác bao trùm các lĩnh vực chiến lược như Sáng kiến Vành đai và Con đường, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp, khoáng sản và công nghệ tài chính. Hai bên cũng ký tuyên bố chung phản đối chủ nghĩa bảo hộ, khẳng định “không bên nào chiến thắng trong chiến tranh thương mại”.
Ông Tập Cận Bình, ông Luiz Inacio Lula da Silva và các vị khách khác đến dự lễ khai mạc Diễn đàn Trung Quốc - Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe tại Bắc Kinh vào ngày 13/5. Ảnh: Tân Hoa Xã
Chuyến công du 5 ngày của ông Lula tới Trung Quốc, kết thúc vào ngày 14/5, được xem là nỗ lực làm sâu sắc thêm quan hệ song phương trong bối cảnh Mỹ Latinh đang trở thành điểm nóng trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, đặc biệt quanh Kênh đào Panama.
Vào ngày 12/2, ông Lula đã tham dự diễn đàn kinh doanh Trung - Brazil, nơi ông thông báo Bắc Kinh sẽ rót 4,8 tỷ USD vào nền kinh tế Brazil.
Ngoài ra, Trung Quốc mới đây đã gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đậu nành với 5 công ty Brazil, đồng thời tăng cường đặt hàng hơn 1,8 triệu tấn đậu nành cho tháng 4 và 5, dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang dần thoát khỏi phụ thuộc vào nông sản Mỹ.
Trong khi đó, Brazil cũng khẳng định mối quan hệ sâu rộng hơn với Trung Quốc không có nghĩa là xa lánh Mỹ, mà là bước đi trong chiến lược “tái công nghiệp hóa” và tìm kiếm các nguồn lực đầu tư mới.