• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xung đột Nga - Ukraina thay đổi sâu sắc nước Đức

Thủ tướng Đức Olaf Scholz chỉ mất vài ngày để công bố những thay đổi địa chấn trong chính sách quân sự, đối ngoại và kinh tế của Berlin sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina.

Xung đột Nga - Ukraina thay đổi sâu sắc nước Đức

Một phần của đường ống dẫn khí Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức, ngày 14.9.2022. Ảnh: Xinhua

Theo AFP, Thủ tướng Scholz tuyên bố đầu tư 100 tỉ euro (107 tỉ USD) vào việc cải tổ quân đội, gửi vũ khí đến Ukraina và từ bỏ năng lượng của Nga.

Nhưng một năm sau khi quân đội Nga tiến vào Ukraina, ông Scholz đang phải chật vật để biến những kế hoạch đầy tham vọng của mình thành hiện thực và làm cho chúng trở nên dễ chịu đối với tất cả mọi người trong nước.

Nước Đức thời hậu chiến luôn bước nhẹ nhàng trên trường thế giới và theo đuổi cách tiếp cận hòa bình khi xảy ra xung đột. Chỉ đến năm 1999, dưới áp lực nặng nề của NATO, quân đội Đức mới tham gia chiến dịch ở Kosovo.

Cho đến lúc đó, Đức hài lòng đảm nhận vai trò là cường quốc kinh tế hàng đầu châu Âu, nhưng không phải là một cường quốc quân sự.

Vai trò của Nga với tư cách là một phần của quân đồng minh giúp chấm dứt chế độ Đức quốc xã và lịch sử của Đức khi đất nước bị chia cắt trong 5 thập kỷ trước khi thống nhất vào năm 1990 cũng khiến nước này nhìn Mátxcơva qua một lăng kính khác.

Các nhà lãnh đạo kế tiếp của Đức - từ cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder của phe trung tả đến cựu Thủ tướng Angela Merkel thuộc phe trung hữu - đều theo đuổi con đường đối thoại và hòa dịu với Nga.

"Chúng tôi tin rằng chỉ có thể có an ninh với Nga chứ không phải chống lại Nga" - Rolf Nikel, phó chủ tịch nhóm chuyên gia cố vấn DGAP tại Berlin, nói với AFP. "Đây là một sai lầm" - ông nói.

Sự phụ thuộc kép

Vào ngày 27.2.2022, Thủ tướng Scholz ca ngợi một "kỷ nguyên mới" khi công bố quỹ đặc biệt dành cho quân đội và hứa sẽ đáp ứng mục tiêu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng.

Các chính sách năng lượng của Đức cũng bị thay đổi, khiến ngành công nghiệp định hướng xuất khẩu của nước này rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina, Berlin phụ thuộc vào Mátxcơva 55% nguồn cung cấp khí đốt và 35% dầu mỏ.

Các nguồn cung cấp năng lượng giá rẻ của Nga đã được các ngành công nghiệp Đức hoan nghênh vì chúng giúp giữ chi phí thấp và do đó giúp xuất khẩu đảm bảo tính cạnh tranh.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, ngày 19.2.2022. Ảnh: Xinhua

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, ngày 19.2.2022. Ảnh: Xinhua

Khí đốt là một vấn đề đặc biệt nan giải vì Đức cần nhiên liệu - ít gây hại cho môi trường hơn than đá - để bù đắp khoảng trống do kế hoạch đóng cửa các nhà máy hạt nhân của nước này.

“Chúng tôi nghĩ đó là sự phụ thuộc kép, chúng tôi phụ thuộc vào năng lượng của Nga, nhưng chúng tôi cho rằng Nga cũng phụ thuộc với tư cách là người bán” - Nikel nói.

Để bù đắp cho nguồn cung bị thiếu từ Nga, Berlin đã phải kéo dài tuổi thọ của các nhà máy hạt nhân còn lại thêm vài tháng, tạm thời kích hoạt lại các nhà máy nhiệt điện than và xây dựng các nhà ga khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới.

Sau nhiều tháng tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, ông Scholz gần đây đã tự hào tuyên bố rằng Đức hiện "không phụ thuộc vào khí đốt của Nga".

Trong khi quá trình chuyển đổi năng lượng dường như diễn ra tốt hơn mong đợi, thì trên mặt trận quân sự, Berlin đang gặp khó khăn.

Việc đại tu quân đội sau hàng thập kỷ thiếu đầu tư trở nên khó khăn vào thời điểm Đức đang phải chật vật không chỉ đổi mới thiết bị quân sự của mình mà còn  gửi số lượng lớn tới Ukraina.

Marie-Agnes Strack-Zimmermann thuộc đảng Xanh, đối tác liên minh cấp dưới của ông Scholz, cho biết Đức mất quá nhiều thời gian để thực sự hỗ trợ Ukraina, bao gồm cả trang thiết bị quân sự và vũ khí.

"Trong một cuộc khủng hoảng như thế này, bạn phải can đảm chịu trách nhiệm và không chỉ phản ứng khi áp lực gia tăng ở Đức và quốc tế" - bà nói với AFP.

Người Đức lo lắng

Mặc dù Thủ tướng Scholz đã nhiều lần nói rằng Đức sẽ cung cấp cho Kiev bất kỳ sự hỗ trợ cần thiết nào trong nỗ lực đẩy lùi Nga, nhưng quyết định của ông về việc gửi vũ khí hạng nặng từ bệ phóng tên lửa đến xe tăng chỉ được đưa ra sau nhiều suy xét.

Thông báo quyết định gửi xe tăng chiến đấu Leopard đến Ukraina, ông Scholz nhấn mạnh rằng "có nhiều công dân lo lắng về quyết định như vậy", đồng thời kêu gọi người dân tin tưởng vào ông.

Quân nhân Ukraina đang được huấn luyện trên xe tăng Leopard 2A6 của Đức - nhưng Đức đã dành hàng tháng trời cân nhắc xem nên gửi bao nhiêu khí tài quân sự cho Kiev.

Không chỉ lo ngại xung đột leo thang, còn nhiều người Đức vẫn miễn cưỡng phản đối trực tiếp Mátxcơva. Những người khác cảnh giác với nỗ lực mới của Đức trong việc tái vũ trang hoặc trở thành nhà cung cấp vũ khí cho Ukraina.

Tại Hội nghị An ninh Munich mới đây, hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường để phản đối việc hỗ trợ vũ khí cho Kiev.

Đầu tháng này, chính trị gia cực tả Sahra Wagenknecht và nhà nữ quyền Alice Schwarzer đưa ra cái mà họ gọi là "tuyên ngôn hòa bình" chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ đối với cuộc xung đột.

Kêu gọi "chấm dứt leo thang chuyển giao vũ khí cho Kiev" và "mở cuộc đàm phán với Mátxcơva", hai người này cũng đã mời những người Đức có cùng chí hướng tham gia cùng họ trong một cuộc biểu tình ở trung tâm Berlin vào ngày 25.2 tới.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết