• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá cà phê hôm nay 20/7/2022: Điều chỉnh nhẹ, xuất khẩu gặp khó khăn

Giá cà phê thu mua trong khoảng 42.000 - 42.500 đồng/kg. Arabica tăng 7,71%, còn Robusta lấy lại 3.59%. Trong khi đó, giá cà phê xuất khẩu giảm mạnh từ đầu tháng 7/2022 đến nay, báo hiệu xuất khẩu cà phê 6 tháng cuối năm sẽ rất khó khăn.

Đúng như dự đoán của giới chuyên gia, cửa xuống của giá cà phê vẫn còn khá rộng. Chỉ sau 1 phiên bật tăng mạnh mẽ, giá cà phê kỳ hạn trên cả hai sàn lập tức giảm trở lại và chỉ còn duy trì tăng nhẹ vào cuối phiên.

Một trong những nguyên nhân giá bật tăng trong ngày hôm trước là do lo ngại sản lượng cà phê vụ mùa năm nay sẽ không đạt như kỳ vọng, là nguyên nhân làm tiến độ thu hoạch vụ mùa thấp hơn mức trung bình nhiều năm. Somar Met báo cáo thời tiết khô hạn trong tuần qua có tiềm năng làm giảm sản lượng vụ mùa sắp tới. Báo cáo tồn kho ICE tiếp tục đứng ở mức thấp hơn 22 năm và tồn kho GCA chỉ đủ cung ứng cho rang xay trong hơn 12 tuần, một con số ở mức trung bình.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Cecafé – Brazil báo cáo xuất khẩu tháng 6 đạt 3,144 triệu bao cà phê hạt, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, không vì khối lượng xuất khẩu nhiều hơn mà do năm ngoái những vấn đề về logistics và sự ách tắt tại các cảng xuất nhập khẩu hàng hóa thế giới đè nặng lên thị trường toàn cầu nói chung, trong đó có cà phê.

Giá cà phê chốt phiên giao dịch ngày 19/7 trên cả hai sàn phái sinh London và New York chỉ còn tăng nhẹ. Giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London tăng mạnh, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 6 USD (0,3%), giao dịch tại 1.998 USD/tấn. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 11/2022 tăng 7 USD (0,35%) giao dịch tại 1.994 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.

Giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York, kỳ hạn giao tháng 9/2022 tăng 1,3 Cent (0,6%), giao dịch tại 216,5 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 12/2022 tăng 1 Cent/lb (0,47%), giao dịch tại 212,20 Cent/lb. Khối lượng giao dịch thấp.

Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 19/7, giá cà phê thu mua trong khoảng 42.000 - 42.500 đồng/kg. Cụ thể, tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 42.000 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê ở mức 42.500 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê được thu mua cùng mức 42.400 đồng/kg. Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê thu mua ở mức 42.400 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 42.300 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê ở mức 42.400 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 42.300 đồng/kg. Còn giá cà phê tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 42.400 đồng/kg.

Theo các nhà phân tích, giá cà phê thế giới kỳ hạn đứng trước nguy cơ sụt giảm mạnh do đồng Real của Brazil mất giá. Tỷ giá đồng Real tiếp tục suy yếu so với USD đã thúc đẩy người Brazil mạnh tay bán cà phê vụ mới hiện đang thu hoạch với sản lượng Arabica vào năm được mùa theo chu kỳ “hai năm một”, do họ đang có lợi khi thu về được nhiều nội tệ hơn.

Trong khi đó, chỉ số đồng USD kỳ hạn (USDX) tiếp nối đà tăng trong rổ tiền tệ mạnh đã khiến giá cả các loại hàng hóa nói chung được thanh toán bằng đồng USD trở nên quá đắt đỏ cũng làm giảm sức mua.

Với những diễn biến trên thị trường thế giới, các nhà phân tích cho rằng thương mại cà phê trong nửa cuối năm 2022 sẽ khó khăn, giá cà phê sẽ suy giảm trong quý 3 và có thể kéo dài sang cả quý 4 nếu xung đột Nga – Ukraine chưa sớm chấm dứt.

Trong 6 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD, tăng tới 48,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tình trạng lạm phát diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, đồng Euro của EU và đồng Real của Brazil suy yếu đã khiến “sắc đỏ” bao trùm nhiều thị trường hàng hóa trên thế giới.

Lũy kế 6 tháng năm 2022, cả nước đã xuất khẩu 1,02 triệu tấn cà phê, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD; tăng 20,7% về lượng và tăng 48,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 6/2022 sang nhiều thị trường chủ lực tăng so với cùng kỳ năm ngoái, như: Đức, Bỉ, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Nga. Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang một số thị trường giảm như: Italia, Nhật Bản, Anh, Philippines và Trung Quốc.

Trong 6 tháng năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường tăng, ngoại trừ xuất khẩu sang Philippines và Trung Quốc giảm. Trong đó, xuất khẩu cà phê sang Bỉ và Anh tăng trưởng ba con số; sang Đức, Italy, Tây Ban Nha và Nga tăng trưởng hai con số.

Hạ Vy

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...