Giá thép hôm nay 22/7/2022: Sắc xanh ngày cuối tuần
Ghi nhận vào lúc 10h ngày 22/7 (theo giờ Việt Nam), giá thép hôm nay trên thế giới giao tháng 10/2022 trên Sàn giao dịch Thượng Hải tăng lên mức 3.840 nhân dân tệ/tấn tại thời điểm khảo sát. Giá quặng sắt kỳ hạn trên Sàn giao dịch Đại Liên (DCE) và Sàn giao dịch Singapore (SGX) đồng loạt đi xuống.
Nguyên nhân là do các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung trở lại với triển vọng nhu cầu ảm đạm của Trung Quốc, sau một đợt tăng trong thời gian ngắn từ tuyên bố mới nhất của chính phủ về kích thích kinh tế. Theo đó, giá quặng sắt giao tháng 9/2022 trên Sàn DCE đã kết thúc giao dịch ban ngày giảm 0,3% xuống 657 nhân dân tệ/tấn (tương đương 97,15 USD/tấn).
Trước đó trong phiên, hợp đồng quặng sắt được giao dịch nhiều nhất trên Sàn DCE này đã giảm xuống mức 646,50 nhân dân tệ/tấn. Trên Sàn SGX, hợp đồng quặng sắt giao tháng 8/2022 cũng được điều chỉnh giảm 0,6%, ghi nhận mức 98,85 USD/tấn.
Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet) |
Việc phong tỏa do COVID-19 ở Trung Quốc - nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, cùng tác động của chúng đến nhu cầu đối với các sản phẩm thép và nguyên liệu thô đang khiến thị trường lo ngại. Mặc dù chính phủ đã nhiều lần cam kết hỗ trợ chính sách cho nền kinh tế đang gặp khó khăn, song mối lo ngại này cho đến nay vẫn còn tồn tại.
Siêu đô thị phía Nam Thâm Quyến cam kết sẽ hạn chế sự bùng phát đang từ từ lan rộng, khi các nhà chức trách tuân thủ chính sách Zero COVID một cách nghiêm ngặt. Rủi ro từ việc đóng cửa đã khiến Ngân hàng Phát triển Châu Á hạ 1 điểm % đối với dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay, xuống còn 4%. Các nhà phân tích của Zhongzhou Futures cho biết, trong bối cảnh nhu cầu tiếp tục suy yếu, thị trường quặng sắt của Trung Quốc có thể sẽ bị "dư cung" trong nửa cuối năm nay.
Tại thị trường trong nước, ngày 17/7, nhiều doanh nghiệp sản xuất đồng loạt hạ 100.000 - 250.000 đồng/tấn giá các sản phẩm thép, hiện giá thép xây dựng đang ở mức 15,8 - 16,7 triệu đồng/tấn. Đây là lần giảm thứ 9 của giá thép trong nước kể từ ngày 11/5.
Cụ thể, thép Hòa Phát cũng điều chỉnh giảm lần lượt 250.000 đồng/tấn và 100.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Giá bán sau điều chỉnh của hai loại thép này là 15,99 triệu đồng/tấn và 16,5 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thương hiệu thép Việt Ý cũng tiến hành giảm lần lượt 250.000 đồng/tấn và 200.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240 và D10 CB300, kéo giá bán xuống còn 15,91 triệu đồng/tấn và 16,36 triệu đồng/tấn.
Cùng chung xu hướng, thương hiệu thép Việt Đức cũng giảm lần lượt 200.000 đồng/tấn và 150.000 đồng/tấn với hai sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, giá bán còn 15,86 triệu đồng/tấn và 16,36 triệu đồng/tấn.
Thép Kyoei cũng tiến hành giảm 150.000 đồng/tấn đối với thép CB240 và 100.000 đồng/tấn đối với thép D10 CB300, giá bán sau giảm giá còn 15,81 triệu đồng/tấn và 16,36 triệu đồng/tấn. Thương hiệu thép Việt Nhật cũng hạ giá bán cho sản phẩm thép cuộn CB240 và D10 CB300 với mức giảm lần lượt là 250.000 đồng/tấn và 100.000 đồng/tấn, kéo giá bán còn 15,91 triệu đồng/tấn và 16,26 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, thép Tung Ho điều chỉnh giảm lần lượt 200.000-250.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300, giá bán còn 15,83 triệu đồng/tấn và 16,09 triệu đồng/tấn. Đây là lần giảm thứ 9 của giá thép trong nước kể từ ngày 11/5. Như vậy, trong vòng hơn 2 tháng qua, giá thép trong nước đã giảm cao nhất tới 3,3 triệu đồng/tấn, tùy từng thương hiệu, loại thép và vùng miền. Hiện giá thép dao động ở mức quanh mốc 16 triệu đồng/tấn tùy loại thép và thương hiệu.
Nguyên nhân khiến giá thép trong nước quay đầu giảm mạnh sau thời gian tăng nóng được cho là giá phôi thép và nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới xu hướng đi xuống. Từ cuối tháng 3 đến nay, giá nguyên vật liệu trong sản xuất thép liên tục giảm khiến thị trường thép chững lại.
Bên cạnh đó, việc giá một số loại vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng khó khăn, hoạt động bị đình trệ, dẫn đến nhu cầu thép giảm. Hơn nữa, chính sách quản lý chặt hơn dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng ảnh hưởng tới nhu cầu thép.
Minh Phương