• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sản phẩm OCOP - điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp

Trong xu hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản, sau 5 năm triển khai (2018-2023), Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang tạo nên các sản phẩm dần khẳng định được vai trò điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp tại Hải Phòng.
 

Đến thăm Công ty cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ, huyện An Dương sẽ thấy rõ được sự lan tỏa của "thương hiệu OCOP". Từ một mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, gia đình ông Nguyễn Văn Quý đã áp dụng khoa học công nghệ để mở rộng sản xuất, trở thành một đơn vị quy mô lớn. Ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ chia sẻ, nhờ áp dụng công nghệ và sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, đến nay công ty đã trở thành nhà sản xuất gà ta nội địa lớn của cả nước.

Hiện công suất của công ty đang đạt 5 triệu con giống/năm; chế biến, giết mổ, bảo quản cung cấp ra thị trường 2.000 tấn thịt gia cầm/năm, hơn 1,5 triệu quả trứng gà ri thương phẩm/năm. Từ khi bảy sản phẩm của công ty được công nhận sản phẩm OCOP, sức lan tỏa của thương hiệu ngày càng rộng rãi hơn. Cùng với đó, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP cũng là động lực để doanh nghiệp triển khai bài bản hơn.

Đến xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Bảo, không ai không biết tới gia đình anh Đỗ Văn Tuấn với sản phẩm Nấm sò tươi. Anh Tuấn cho biết, ban đầu gia đình sản xuất cũng khá vất vả do chưa có thương hiệu, đầu ra. Nhưng từ năm 2019, sản phẩm của gia đình được thành phố cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, từ đó uy tín lan rộng, sản lượng của cơ sở cũng tăng lên 3, 4 lần. Hiện gia đình đã mở rộng vùng sản xuất hơn 3.000 m2. Việc sản xuất theo quy trình, quy định OCOP cũng đã thay đổi tích cực thói quen làm nông nghiệp của gia đình cũng như bà con trong vùng.

Ông Nguyễn Văn Đàn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Bảo chia sẻ, để được chứng nhận sản phẩm OCOP, các đơn vị, cá nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định sản xuất, đóng gói, nhãn mác. Việc tuân thủ quy trình đã giúp thay đổi nề nếp sản xuất của bà con. Cùng với đó, bà con nông dân được hỗ trợ tiếp cận giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, hướng dẫn các cơ sở tham gia hoạt động trong môi trường số, cách thức đăng ký tài khoản gian hàng, hoạt động tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn quy trình đóng gói - kết nối - giao, nhận… cũng góp phần giúp người nông dân tiếp cận các phương thức sản xuất mới.

Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng) cho biết, sau 5 năm triển khai, đến nay thành phố đã đánh giá 188 sản phẩm và cấp giấy chứng nhận cho 183 sản phẩm (57 sản phẩm 4 sao, 126 sản phẩm 3 sao) và 5 sản phẩm đang gửi Trung ương đánh giá 5 sao.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng, việc xây dựng các sản phẩm OCOP trong giai đoạn vừa qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc triển khai chương trình này cũng còn nhiều hạn chế cần được nhìn nhận lại. Do đây là giai đoạn đầu triển khai chương trình nên nhiều địa phương không tránh khỏi sự lúng túng.

Thêm vào đó, một số địa phương chưa nhận thức rõ ý nghĩa của chương trình nên còn thờ ơ hoặc triển khai chiếu lệ, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu, thiếu đầu tư về mọi mặt. Một số cán bộ thực hiện chương trình tại các địa phương chưa nắm vững kiến thức về chương trình OCOP nên gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện. Một số chủ thể còn có tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, hàng hóa chưa được sản xuất tập trung, chưa xác định được mục tiêu của sản phẩm. Các sản phẩm đặc thù của địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp; người dân chưa chú trọng đến việc xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm chất lượng và đẹp mắt để thu hút người tiêu dùng.

Cũng theo Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng, các chủ thể sản xuất gặp khó khăn trong việc lập hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm. Công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa phản ánh rõ nét những ưu điểm nổi trội và nét độc đáo, đặc sắc của sản phẩm OCOP để tạo hình ảnh, thương hiệu mới, gây ấn tượng đối với người mua. Một số địa phương chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương để nâng cao chất lượng mà vẫn chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có tham gia Chương trình OCOP.

Việc gắn OCOP với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (việc có sản phẩm OCOP là tiêu chí bắt buộc trong Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao) là động lực để phát triển OCOP nhưng cũng đã gây ra tình trạng làm OCOP theo phong trào, chính quyền đi vận động quá mức để người dân, doanh nghiệp tham gia OCOP (bằng mọi giá có sản phẩm OCOP trong khi chủ thể - người dân chưa muốn tham gia OCOP), gây ảnh hưởng đến uy tín của các sản phẩm OCOP thực thụ.

Trong thời gian tới, để tiếp tục lan tỏa "thương hiệu OCOP", phát huy những thành tựu đã đạt được cũng như khắc phục hạn chế còn tồn tại, các địa phương cần xác định rõ việc thực hiện Chương trình OCOP là một nhiệm vụ trọng tâm cần được quan tâm và triển khai (đặc biệt đối với các địa phương không có điều kiện thuận lợi về sản xuất hàng hóa tập trung nhưng có lợi thế về sản vật, ngành nghề truyền thống và dịch vụ du lịch).

Các địa phương phát triển Chương trình OCOP phải trên cơ sở cung - cầu, gắn với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng miền; dựa vào giá trị đặc sắc bản địa, đồng thời hướng đến thị trường toàn cầu, tuyệt đối không chỉ làm theo phong trào hoặc lối mòn; tăng cường giám sát sau công nhận OCOP để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn và nâng cao uy tín cũng như xây dựng thương hiệu của sản phẩm OCOP trong lòng người tiêu dùng. Thậm chí trong quá trình đưa sản phẩm OCOP ra thị trường vẫn cần tiếp tục kiểm tra, nếu sản phẩm không đảm bảo, kiên quyết loại ra khỏi chương trình.

Cùng với đó, các địa phương chú trọng các loại hình kinh tế tham gia OCOP; trong đó hợp tác xã và doanh nghiệp phải là "đầu tàu" trong liên kết nông dân sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Hoàn thiện cơ sở pháp lý, rà soát, đánh giá và hoàn thiện lại Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đảm bảo phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn. Các địa phương tổ chức tập huấn nhằm nâng cao năng lực, sự hiểu biết của cán bộ các cấp và cộng đồng, người sản xuất, tổ chức kết nối giao thương cho các chủ thể cung ứng sản phẩm OCOP, tích cực tôn vinh và bảo hộ cho sản phẩm OCOP, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội.../.

Hoàng Ngọc


Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết