• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Những kiến nghị từ thực tiễn tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo

HĐND thành phố Hà Nội đã tiến hành giám sát công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026. Xuất phát từ thực tế của cuộc giám sát, HĐND thành phố đã có nhiều kiến nghị, đề xuất để nâng cao hiệu quả công tác này.

HĐND thành phố giám sám chuyên đề về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tại các sở, ngành, địa phương. Ảnh: Lê Hải

Kết quả giám sát của HĐND thành phố cho thấy, công tác tiếp công dân đã ghi nhận những kết quả tích cực: Lịch tiếp dân của lãnh đạo các cấp được công khai rộng rãi để người dân dễ dàng thực hiện quyền của mình; lãnh đạo cấp thành phố và sở, ngành duy trì tiếp dân 1 ngày/tháng, cấp huyện thực hiện 2 ngày/tháng.

Mỗi ban tiếp công dân đều có ít nhất một công chức chuyên trách trình độ đại học Luật, cùng với sự tham gia của các cán bộ chuyên môn từ các phòng ban như: Môi trường, Tư pháp, Quản lý đô thị... để nâng cao chất lượng và hiệu quả buổi tiếp.

Các vụ việc được chỉ đạo qua tiếp dân có tỷ lệ giải quyết cao. Nhiều lãnh đạo địa phương đã chủ động đối thoại với các đoàn đông người, đưa ra các giải pháp tối ưu để giải quyết các vấn đề chủ yếu liên quan đến quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, trật tự xây dựng...

Tuy nhiên, kết quả giám sát cũng chỉ ra, công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại vẫn còn một số hạn chế. Một số thủ trưởng đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác giải quyết đơn thư. Việc bố trí cán bộ, công chức cho công tác này ở một số nơi còn chưa đảm bảo chất lượng, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Qua giám sát, HĐND thành phố Hà Nội chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ tính chất phức tạp của công tác tiếp công dân, đòi hỏi sự linh hoạt và tuân thủ nguyên tắc pháp luật, trong khi năng lực và kỹ năng của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thêm vào đó, các vấn đề do lịch sử để lại hoặc sự bất cập trong chính sách, nhất là về đất đai, nhà ở, đã khiến việc giải thích cho công dân gặp nhiều khó khăn...

Từ thực tế đó, HĐND thành phố Hà Nội kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu rà soát, sửa đổi Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo trong thời gian tới bảo đảm phù hợp với các quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và chủ trương sắp xếp lại hoạt động của các cơ quan thanh tra. Đồng thời, quan tâm đến việc đa dạng hóa các hình thức tiếp công dân, trong đó có mô hình tiếp công dân trực tuyến...

Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, pháp luật, tạo điều kiện cho các địa phương cũng như thành phố Hà Nội trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Cụ thể là nghiên cứu, đồng bộ các chính sách về công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; tạo điều kiện, ủy quyền cho chính quyền thành phố Hà Nội có các cơ chế đặc thù trong việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại kéo dài trong công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản và có hướng dẫn cụ thể quy định về thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; nghiên cứu, bổ sung quy định về gia hạn giải quyết khiếu nại vì trên thực tế, có nhiều vụ khiếu nại rất phức tạp, cần gia hạn thời gian xác minh khiếu nại để giải quyết vụ việc theo quy định.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên chia sẻ, những kiến nghị trên là rất thực tiễn, bởi có nhiều vụ việc trải qua thời gian dài, chính sách thay đổi, cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội.

 “HĐND thành phố đề nghị các bộ, ngành tiếp tục tăng cường phối hợp với UBND thành phố Hà Nội trong công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài vượt thẩm quyền của thành phố; cập nhật các vụ việc liên quan đến đơn thư của công dân mà thành phố và các cấp chính quyền đã giải quyết dứt điểm, để không tiếp nhận, chuyển trả về thành phố”, ông Phạm Quí Tiên chia sẻ thêm.

Thông qua giám sát, HĐND thành phố đề nghị Thành ủy Hà Nội chỉ đạo cấp ủy các cấp tiếp tục nâng cao trách nhiệm, coi công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU, Chỉ thị số 15-CT/TU của Thành ủy là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị.

Cùng với đó, chỉ đạo kiểm tra, rà soát đối với một số vụ việc không còn tiềm ẩn phức tạp đưa ra khỏi danh sách theo dõi nhằm ổn định tình hình chính trị tại địa phương; chỉ đạo sau khi sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn hệ thống chính trị của đơn vị hành chính cấp xã cần tiếp tục rà soát, cập nhật các vụ việc để thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo và giải quyết các vụ việc.

Đối với UBND thành phố, cần chỉ đạo Thanh tra thành phố, UBND các cấp rà soát tổng thể kết quả giải quyết vụ việc, đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm của UBND, các cơ quan thuộc chính quyền các cấp thành phố đang thực hiện, chưa giải quyết xong. Trên cơ sở kết quả rà soát tổng thể, UBND thành phố chỉ đạo, phân công các cơ quan, đơn vị có phương án giải quyết với các vụ việc tồn đọng.

Đặc biệt, UBND thành phố cũng cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, UBND các cấp thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cần quy định cụ thể tiến độ, thời gian tổ chức thực hiện; quy định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân trong việc tổ chức thực hiện và cơ chế xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân không thực hiện, chậm báo cáo kết quả thực hiện.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, bảo đảm đủ số lượng đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, UBND thành phố khẩn trương hoàn thiện sử dụng phần mềm về quản lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn thành phố.

Đặc biệt lưu ý việc thực hiện liên thông từ cấp thành phố cho đến cấp xã; liên thông giữa các cơ quan Đảng, HĐND, UBND các cấp để bảo đảm kịp thời cho việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc giải quyết được thường xuyên, liên tục.

Theo Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, để tăng cường hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, doanh nghiệp, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, bảo đảm đủ số lượng đội ngũ công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên cơ sở “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...