• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những cao tốc được mong chờ trong năm 2023

Cùng với việc chuẩn bị đưa 3 dự án thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam vào hoạt động dịp 30.4, Bộ Giao thông Vận tải nỗ lực triển khai nhiều dự án mới.

Thông tin tới Báo Lao Động, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông lớn.

Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải cũng đề nghị các chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn thành và đưa vào khai thác một số dự án cao tốc thành phần: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đúng dịp 30.4.

Đối với các dự án có kế hoạch về đích trong năm 2023 và dự án trọng điểm đang thực hiện, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cũng phải chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, vật liệu đảm bảo tiến độ triển khai các dự án theo đúng yêu cầu, đặc biệt là dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

“Nếu không chủ động tháo gỡ hoặc kịp thời báo cáo, các Ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải. Tiền đã có sẵn, yêu cầu là phải tập trung làm, đổi mới cách làm. Các hạng mục quyết định đến tiến độ như: hầm, cầu phải được ưu tiên giải phóng mặt bằng, phạm vi mặt bằng thuận lợi cần được thi công cuốn chiếu đẩy nhanh tiến độ hơn nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Riêng các dự án đường bộ cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Các tuyến Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 vùng thủ đô, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường cao tốc Việt Nam phối hợp với các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoàn chỉnh thủ tục về đầu tư xây dựng, sớm khởi công các dự án trước ngày 30.6 theo yêu cầu.

Được biết, vành đai 3 dài hơn 76 km, đi qua TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỉ đồng (giai đoạn một). Theo dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 6.2026.

Tuyến vành đai 3 được xem là trục giao thông chiến lược, ngoài kết nối giao thông còn tạo hành lang đô thị, công nghiệp không chỉ 4 tỉnh thành dự án đi qua mà tác động cả Vùng kinh tế phía Nam.

TP Hồ Chí Minh sẽ tiến hành chi trả tiền bồi thường dự án Vành đai 3 từ cuối tháng 4. Ảnh: Minh Quân

TP Hồ Chí Minh sẽ tiến hành chi trả tiền bồi thường dự án Vành đai 3 từ cuối tháng 4. Ảnh: Minh Quân

Còn đối với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài-Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó qua Hà Nội có 58,2 km qua 7 huyện; Hưng Yên 19 km; Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối với quốc lộ 18 dài 9,7km.

Lãnh đạo Hà Nội  kiểm tra thực địa phục vụ công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4. Ảnh: Viết Thành

Lãnh đạo Hà Nội kiểm tra thực địa phục vụ công tác giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4. Ảnh: Viết Thành

Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai. Tuyến nối theo hướng quy hoạch đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang nhằm khép kín đường Vành đai 4 có quy mô 4 làn xe cao tốc.

Dự án đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100km/h với thành phần đường cao tốc và tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long; đoạn 4 làn xe và đường bên có tốc độ 60-80 km/h.

Dự án đường vành đai 4 sẽ có 8 nút giao chính được xây dựng giai đoạn 1 bao gồm: Nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai; nút giao đường trục Mê Linh; Đại lộ Thăng Long; Quốc lộ 6; nút giao Pháp Vân – Cầu Giẽ; nút giao cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; Quốc lộ 38; nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

Dự án đường vành đai 4 cũng có 3 cầu vượt vượt sông. Cụ thể, 2 cầu vượt sông Hồng là: cầu Hồng Hà (dài 5.023m) và cầu Mễ Sở (dài 2674m); 1 cầu lớn vượt sông Đuống (dài 990m)...

Dự án góp phần kết nối các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm, mà hiện nay tuyến đường Vành đai 3 đang đảm nhiệm và đã chịu quá tải trầm trọng. Khi có tuyến đường Vành đai 4, sẽ giảm ùn tắc cho Vành đai 3; góp phần phát triển đô thị 2 bên tuyến; phục vụ công tác an ninh, quốc phòng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết