• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ninh Bình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống phát triển du lịch nông thôn

Giai đoan 2021-2025 , tỉnh Ninh Bình xác định xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống phát triển du lịch nông thôn.

Du lịch Ninh Bình và bước phát triển đột phá

Ninh Bình là vùng đất Cố đô với hàng ngàn năm lịch sử, yên bình chan hòa với thiên nhiên, sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, nổi tiếng như: Tam Cốc - Bích Động, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, suối nước khoáng nóng Kênh Gà, Biển Kim Sơn - Cồn Nổi; Hệ thống hồ: Đồng Chương, Yên Thắng, Đồng Thái.

Ninh Bình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống phát triển du lịch nông thôn

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, những năm qua tỉnh Ninh Bình đã tích cực phát huy những tiềm năng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt ngành du lịch tỉnh đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Toàn tỉnh hiện có 1.821 di tích, gồm 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt). Quần thể Danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Hạ tầng các khu du lịch được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho khách đến tham quan du lịch; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng; một số khu, điểm du lịch, khách sạn cao cấp được đầu tư hoàn thiện đưa vào phục vụ khách du lịch có hiệu quả.

Tốc độ tăng trưởng (giai đoạn 2009-2019) về khách du lịch đạt 13,11%/năm, về doanh thu du lịch đạt 30,78%/năm. Năm 2019, Ninh Bình đón 7,65 triệu lượt, doanh thu đạt trên 3.671 tỷ đồng. Năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động du lịch toàn thế giới, trong nước nhưng tỉnh vẫn thu hút 1.325.000 lượt khách, doanh thu đạt gần 935 tỷ đồng.

7 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ước đón hơn 2,163 triệu lượt khách, đạt 233,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khách nội địa đón gần 2,139 triệu lượt khách, khách quốc tế hơn 24 nghìn lượt khách. Doanh thu ước đạt gần 1.448 tỷ đồng, đạt 244,4% so với cùng kỳ năm 2021. Du lịch đã thực sự trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế địa phương.

Ninh Bình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống phát triển du lịch nông thôn

Nông thôn mới là động lực cho du lịch

Đến Ninh Bình ngày nay, khách du lịch sẽ không chỉ choáng ngợp bởi những cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn choáng ngợp bởi hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Hệ thống đường xá sạch đẹp kéo dài đến các thôn, biển báo, vạch kẻ đường... đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và khách du lịch. Đặc biệt, công tác an ninh, an toàn cho khách du lịch cũng là một trong những điểm mạnh mà Ninh Bình mang lại cho du khách.

Những bức tranh đường làng đầy màu sắc, vườn hoa, những nhà văn hóa, trường học, trạm y tế xã khang trang tạo một cảnh quan rất thu hút khách du lịch. Đây đều là những thành quả của hoạt động xây dựng nông thôn mới địa phương.

Ninh Bình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống phát triển du lịch nông thôn

Đối với việc phát triển nông thôn mới, tỉnh Ninh Bình hiện có 119/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ 100%); trong đó có 17 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 275 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 8/8 huyện, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 7 huyện, thành phố (huyện Hoa Lư, huyện Yên Khánh, huyện Gia Viễn, huyện Yên Mô, huyện Nho Quan; TP. Tam Điệp, TP. Ninh Bình) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Kim Sơn đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ trình các sở, ngành của tỉnh thẩm tra các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hứa hẹn từ nay đến cuối năm 2022, quân và dân Ninh Bình tiếp tục phấn đấu thêm nhiều xã về đích nông thôn mới nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Để tạo điều kiện cho du lịch nông thôn phát triển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình đã tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách và định hướng cho người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Điển hình là mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen kết hợp du lịch ở Hoa Lư, Tam Điệp; chuyển đổi các cây trồng màu truyền thống sang trồng cúc dược liệu, hướng dương kết hợp du lịch ở Hoa Lư, Yên Khánh; những đồi hoa, đồi dứa, đồi chè ở Tam Điệp ngoài làm nguyên liệu cho chế biến đã được quảng bá thành các địa điểm check in, chụp ảnh.

Xây dựng nông thôn mới gắn du lịch với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

Đặc biệt, ngày 03/6/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Du lịch và Sở Văn hóa – Thể thao đã ký kết chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025. Đây là cơ sở để các ngành phối hợp tổ chức triển khai phát triển du lịch nông thôn một cách đồng bộ, hiệu quả.

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền địa phương, một số doanh nghiệp tư nhân cũng tích cực hưởng ứng và thành công với nhiều mô hình nông nghiệp du lịch như du lịch cộng đồng du khảo đồng quê; một ngày làm nông dân và tour du lịch nông thôn tại xã Sơn Hà, huyện Nho Quan, Gia Vân – Gia Viễn; du lịch trang trại xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp; du lịch cộng đồng (homestay) tại xã Gia Vân, Gia Sinh huyện Gia Viễn, xã Trường Yên, xã Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Thắng huyện Hoa Lư; du lịch trải nghiệm làng nghề tại gốm Bồ Bát, thêu ren Văn Lâm, đá Ninh Vân, du lịch Cúc Phương…

Việc khôi phục các nhà văn hóa truyền thống, duy trì các làn điệu cổ: hát xẩm, hát đúm, điệu múa cồng chiêng... đã mang lại một nét đặc sắc thu hút khách du lịch đến với Ninh Bình.

Ninh Bình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống phát triển du lịch nông thôn

Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững tại Ninh Bình nói riêng và trên cả nước nói chung.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết