• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiền Giang bổ sung 45 công trình, dự án phải thu hồi đất trong năm 2023

HĐND tỉnh Tiền Giang vừa thông qua bổ sung đưa 45 công trình, dự án phải thu hồi đất trong năm 2023, với tổng mức đầu tư khoảng 4.719 tỉ đồng. Các công trình, dự án phải thu hồi đất đều để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Tiền Giang bổ sung 45 công trình, dự án phải thu hồi đất trong năm 2023

Đường tỉnh 864 (Đường dọc sông Tiền). Ảnh: Thành Nhân

Cụ thể, tổng số 45 công trình, dự án với tổng diện tích thu hồi đất là 189,19 ha. Trong đó, đất trồng lúa có diện tích phải thu hồi là 59,05 ha, đất rừng phòng hộ diện tích thu hồi là 2,71 ha và các loại đất khác diện tích là 127,43 ha.

Trên địa bàn TP Mỹ Tho có 5 công trình, dự án phải thu hồi đất gồm: Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền); Đường giao thông hai bên bờ sông Bảo Định; Đường Trần Văn Hiển (đoạn từ Nguyễn Thị Thập đến cầu Chùa); Đường Đoàn Thị Nghiệp (đoạn từ ĐT 870B đến 870) và đường vào UBND phường 6.

Còn trên địa bàn huyện Gò Công Đông có 8 công trình, dự án phải thu hồi đất gồm: Khu tái định cư dự án đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền) nằm trên địa bàn xã Phước Trung; Khu tái định cư dự án đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền) nằm trên địa bàn xã Tăng Hòa; Khu tái định cư dự án đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền) nằm trên địa bàn xã Tân Thành; Dự án xử lý xói lở bờ biển Gò Công Đông (xói lở bờ biển Gò Công Đông và xói lở bờ biển phía Nam khu du lịch Gò Công Đông); Dự án xử lý xói lở bờ biển Gò Công Đông (đoạn qua xã Kiểng Phước, Tân Điền); Đường nối từ chợ đầu mối thủy sản thị trấn Vàm Láng – đến ĐH10; Xây dựng mới cầu nối từ đường huyện 10 vào đền thờ Trường Định và Bến phà cao tốc Vàm Láng – Cần Giờ - Vũng Tàu và đường đầu nối từ bến phà đến đường nối từ chợ đầu mối thủy sản thị trấn Vàm Láng – đến ĐH10.

Các công trình, dự án còn lại phải thu hồi đất nằm trên địa bàn các địa phương gồm: Thị xã Cai Lậy, huyện Châu Thành, Thị xã Gò Công, huyện Gò Công Tây, huyện Chợ Gạo, huyện Cái Bè, huyện Tân Phước và huyện Tân Phú Đông.

Theo Nghị quyết số 50/2022 của HĐND tỉnh Tiền Giang, tổng vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Tiền Giang là 5.294,925 tỉ đồng, trong đó đã ưu tiên dành 1.752,2 tỉ đồng để bố trí đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực giao thông như: Nâng cấp mở rộng đường tỉnh 874; Đường tỉnh 864 dọc sông Tiền; Nâng cấp, mở rộng các đường tỉnh 861, 863, 869 để kết nối Tiền Giang với Đồng Tháp; Nâng cấp mở rộng đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến ranh Long An; Đường tỉnh 862; Đường tỉnh 879C; Đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1),…

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lý Hoàng Chiêu - Chánh văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang, kiêm người phát ngôn của UBND tỉnh Tiền Giang - cho biết: Trong quy hoạch hiện tại, địa phương xác định tập trung phát triển vào 3 lĩnh vực gồm hạ tầng giao thông, kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến nông sản và đào tạo nguồn nhân lực.

Về hạ tầng giao thông, theo ông Chiêu, Tiền Giang sẽ đầu tư kết nối nâng cấp các tuyến đường giao thông đủ tải và duy tu các tuyến đường giao thông để đảm bảo nhu cầu sản xuất và dân sinh; đặc biệt là nhu cầu vận chuyển hàng hóa nông nghiệp. Nhằm mục tiêu, là góp phần giảm giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng trái cây thương phẩm.

"Đối với lĩnh vực chế biến, Tiền Giang sẽ tập trung kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, nhất là đối với các loại trái cây Tiền Giang có trữ lượng lớn. Cùng với đó là đề xuất Trung ương cho cơ chế kêu gọi hoặc đầu tư các kho dự trữ trái cây, xây dựng đầu mối tiêu thụ trái cây, góp phần giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ngoài ra, Tiền Giang cũng đầu tư đào tạo nguồn nhân lực đa ngành, nghề, đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu về lao động của doanh nghiệp, của khu vực sản xuất nông nghiệp và góp phần cho công tác cải cách hành chính của tỉnh…", ông Chiêu thông tin.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết