Ban hành quy định mới về quản lý và tính hao mòn tài sản hạ tầng đường sắt
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 75/2025/TT-BTC, quy định về việc tính hao mòn tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và hướng dẫn việc kê khai, báo cáo về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt. Thông tư sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 23/8/2025.
Việc ban hành Thông tư số 75/2025/TT-BTC góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.
Theo Thông tư số 75/2025/TT-BTC, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được phân loại thành 2 nhóm chính gồm tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia và tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị.
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, các loại tài sản được xác định nguyên giá, giá trị còn lại và tính hao mòn bao gồm đường chính tuyến; đường ga, đường nhánh; cầu đường sắt; hầm đường sắt; công trình kiến trúc; công trình phụ trợ; hệ thống thông tin tín hiệu; hệ thống công nghệ thông tin, máy móc và thiết bị phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý tài sản, điều hành đường sắt quốc gia; cùng các tài sản liên quan khác.
Đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, Thông tư quy định các loại tài sản thuộc diện phải xác định nguyên giá, giá trị còn lại và tính hao mòn gồm cầu đường sắt; nhà ga trên cao và ga ngầm; hệ thống đường ray; các công trình xây dựng trong khu depot; hệ thống thiết bị; hệ thống công nghệ thông tin, máy móc và thiết bị phục vụ công tác quản lý tài sản và điều hành đường sắt đô thị; cùng các loại tài sản khác có liên quan.
Về tiêu chuẩn xác định tài sản cố định, Thông tư nêu rõ: tài sản sử dụng độc lập được xác định là một tài sản; trong trường hợp một hệ thống gồm nhiều bộ phận riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hoặc một số chức năng nhất định, mà nếu thiếu bất kỳ bộ phận nào thì cả hệ thống không thể hoạt động được, thì hệ thống đó được xác định là một tài sản.
Đặc biệt, nếu một hệ thống được giao cho nhiều doanh nghiệp cùng quản lý thì phần tài sản giao cho từng đơn vị sẽ được xác định là một tài sản riêng. Ngoài ra, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt chỉ được xác định là tài sản cố định nếu đồng thời đáp ứng 2 điều kiện: có thời gian sử dụng từ một năm trở lên và có nguyên giá từ 30 triệu đồng trở lên.
Về nguyên tắc tính hao mòn, Thông tư quy định các tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được xác định là tài sản cố định và được giao cho doanh nghiệp quản lý tài sản đường sắt sẽ phải thực hiện tính hao mòn theo quy định tại Thông tư 75, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Các trường hợp không phải tính hao mòn bao gồm tài sản chưa tính hết hao mòn nhưng đã hư hỏng không thể sửa chữa để tiếp tục sử dụng; tài sản đã tính đủ hao mòn nhưng vẫn còn được sử dụng; tài sản trong thời gian chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; và tài sản tham gia vào các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Thông tư số 75/2025/TT-BTC quy định, việc tính hao mòn tài sản được thực hiện định kỳ mỗi năm một lần vào tháng 12, trước khi các doanh nghiệp thực hiện khóa sổ kế toán năm. Đồng thời, các nội dung liên quan đến kê khai và báo cáo về tài sản cũng được Thông tư hướng dẫn rõ ràng nhằm đảm bảo thống nhất, minh bạch trong công tác quản lý tài sản công.