• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cấm xe máy chạy xăng trên Vành đai 1: Hà Nội có phương án gì hỗ trợ người dân?

Trao đổi với báo chí về việc triển khai Chỉ thị số 20 của Thủ tướng liên quan đến kiểm soát ô nhiễm không khí, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy sử dụng xăng dầu của người dân sống trong Vành đai 1.

Cấm xe máy chạy xăng trên Vành đai 1 Hà Nội. Ảnh: Lộc Liên

Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, từ ngày 1/7/2026 khu vực Vành đai 1 của Hà Nội sẽ hạn chế lưu thông xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tiến tới loại bỏ hoàn toàn theo lộ trình trong tương lai.

Nội dung này đang được dư luận đặc biệt quan tâm, liên quan đến việc triển khai Chỉ thị 20, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy sử dụng xăng trong khu vực Vành đai 1.

Chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ xe sử dụng xăng sang xe điện sẽ được xây dựng bảo đảm hài hoà, dựa trên kết quả rà soát kỹ lưỡng theo từng nhóm người sử dụng và từng loại xe.

UBND thành phố sẽ báo cáo Thành ủy, trình HĐND thành phố xem xét ban hành chính sách hỗ trợ gần như toàn bộ các chi phí liên quan đến việc chuyển đổi như lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe điện mới.

Song song với đó, thành phố đầu tư phát triển hạ tầng giao thông xanh nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong khu vực.

Trong đó, dự kiến tăng cường xe buýt điện cỡ nhỏ (8 - 12 chỗ) để tạo thành mạng lưới hỗ trợ người dân di chuyển; nghiên cứu mô hình xe điện 4 chỗ để trung chuyển nội đô tại Vành đai 1.

Đồng hành là hệ thống trung chuyển đa phương thức, phát triển các tuyến đường sắt đô thị. Hiện hai tuyến Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội đã đi vào khu vực này. Các tuyến Hồ Tây - Hòa Lạc và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ được triển khai tiếp theo...

Đối với vấn đề trạm sạc, ông Tuấn cho biết, Hà Nội sẽ bổ sung quy hoạch các khu vực sạc điện cho ô tô, xe máy điện và phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, công nghệ.

“Trước mắt, thành phố ưu tiên bố trí trạm sạc tại các điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trong các tòa nhà dân cư…”, ông Tuấn nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy sử dụng xăng dầu của người dân sống trong Vành đai 1. Ảnh: Lê Hải

Theo Chỉ thị số 20, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội triển khai lộ trình cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại khu vực trung tâm từ giữa năm 2026, đồng thời mở rộng vùng phát thải thấp trên toàn thành phố đến năm 2030.

Cụ thể, từ ngày 1/7/2026, xe mô tô và xe gắn máy chạy xăng dầu sẽ bị cấm lưu thông trong Vành đai 1.

Từ ngày 1/1/2028, phạm vi hạn chế mở rộng sang Vành đai 2, bao gồm cấm xe máy và hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Đến năm 2030, lộ trình tiếp tục được mở rộng đến Vành đai 3.

Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố Hà Nội ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện và khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng trước ngày 30/9.

Thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng, ngày 14/7, UBND thành phố đã ban hành quyết định về thành lập tổ công tác liên ngành để tham mưu UBND thành phố triển khai các nội dung, nhiệm vụ chuyển đổi phương tiện giao thông xanh và hạ tầng trạm sạc xe điện tại Thủ đô.

Sở Xây dựng là cơ quan thường trực huy động nhân sự, thiết bị, kinh phí từ ngân sách thành phố; chủ trì họp, tổng hợp ý kiến, sử dụng con dấu của sở để thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch.

Từ quý III/2025, Hà Nội sẽ nghiên cứu điều chỉnh tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, phí cấp biển số và giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực trung tâm đối với các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Hiện, toàn thành phố có hơn 9,2 triệu phương tiện, trong đó khoảng 8 triệu thuộc diện quản lý trực tiếp của thành phố, bao gồm 1,1 triệu ôtô và 6,9 triệu xe máy.

Ngoài ra, khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khác cũng thường xuyên lưu thông tại Hà Nội.

Những tuyến đường cấm xe máy xăng từ 1/7/2026

Khu vực bên trong đường vành đai 1 sẽ bị cấm xe máy từ ngày 1/7/2026. Đồ họa: N.K.H

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội có 7 tuyến vành đai, trong đó có 5 tuyến chính gồm 1, 2, 3, 4, 5 và 2 tuyến hỗ trợ (Vành đai 2,5 và 3,5) với tổng chiều dài 285,46 km.

Trong đó, tuyến Vành đai 1 là trục chính đô thị kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội gồm: Phố Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Hoàng Cầu - Voi Phục với tổng chiều dài 7,2 km.

Cụ thể, Vành đai 1 sẽ bao gồm các tuyến đường, phố: Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân - Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân.

Phạm vi của tuyến đường sẽ chạy qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa (cũ).

Hiện, dự án Vành đai 1 đoạn từ Hoàng Cầu tới Voi Phục đang thi công, nếu hoàn thành đoạn tuyến Hoàng Cầu - Voi Phục, đây sẽ là vành đai đầu tiên của Hà Nội được khép kín.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...