• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em

Trước tình hình một số vụ bạo hành trẻ em liên liên tục xảy ra gần đây, sáng 22/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em để nghe các bộ, ngành hữu quan báo cáo, phân tích, làm rõ nguyên nhân cũng như xác định giải pháp khắc phục, phòng ngừa, giảm thiểu các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em.

2448-bao-luc-tre-em1

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: TTXVN

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì và chỉ đạo phiên giải trình.

Tham dự Phiên giải trình có các đại biểu Quốc hội là Thường trực của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban: Văn hóa, Giáo dục; Tư pháp; Xã hội; Tài chính-Ngân sách; Khoa học-Công nghệ; các bộ, ngành, cơ quan giải trình và phối hợp giải trình; đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức quốc tế.

Dư luận xã hội rất bức xúc các vụ việc bạo hành trẻ em

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã kịp thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các ban, bộ, ngành, tổ chức quốc tế có liên quan chuẩn bị nội dung, chương trình phiên giải trình. Đây là hoạt động thể hiện trách nhiệm của Quốc hội đối với những vấn đề cử tri, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm; cũng là tiếp tục thực hiện các văn bản, chỉ thị của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, trong những năm qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em đã đạt được những kết quả tích cực. Các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em cơ bản được xử lý kịp thời, nghiêm minh. Lãnh đạo Quốc hội đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan tư pháp và mạng lưới cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em từ trung ương đến địa phương, cơ sở.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã gây tổn thất nặng nề trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam; việc hạn chế đi lại, cách ly xã hội và những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, đi kèm với áp lực kinh tế và đời sống khó khăn tăng lên đối với các gia đình, dẫn đến bạo lực gia tăng với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là bạo lực đối với trẻ em - "những chủ nhân tương lai của đất nước".

2515-bao-luc-tre-em2

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu. Ảnh: TTXVN

Thời gian qua, dư luận xã hội rất bức xúc và đau lòng khi các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về các vụ việc bạo hành trẻ em gây hậu quả rất nghiêm trọng. Báo cáo của các cơ quan gửi tới Quốc hội cho thấy các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em tuy đã giảm nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn ở mức cao. Điều đó cho thấy, những việc chúng ta đã và đang thực hiện chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vẫn là chưa đủ.

Để phiên giải trình đạt kết quả, đáp ứng được sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu quan tâm, tiếp tục làm rõ, phân tích cặn kẽ những nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực trẻ em, trách nhiệm của các cơ quan liên quan từ trung ương đến địa phương, cơ sở; sự phối hợp giữa các Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục, Tư pháp trong việc cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; đề xuất các giải pháp, nhất là về hoàn thiện thể chế; về tổ chức triển khai, thực hiện; tổ chức bộ máy và bố trí các nguồn lực thỏa đáng cho công tác trẻ em, đặc biệt là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; có giải pháp để xây dựng, phổ biến các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới, ý thức pháp luật, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội, phòng ngừa các nguy cơ về bạo lực trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội, hướng đến mục tiêu vì sự phát triển toàn diện của trẻ em Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan chức năng của Quốc hội nghiên cứu, xem xét, thảo luận để có thể thống nhất đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành tổng rà soát toàn diện trẻ em có nguy cơ bị bạo hành hiện nay trên phạm vi cả nước, làm cơ sở dữ liệu giúp cho việc thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình để chủ động phòng ngừa, xử lý các tình huống phát sinh từ địa phương, cơ sở.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn Phiên giải trình sẽ đưa ra các đề xuất, kiến nghị đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức, địa phương nhằm tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách pháp luật về công tác phòng, chống bạo lực trẻ em; tạo môi trường lành mạnh, an toàn, thân thiện, bình đẳng, công bằng, không để bất cứ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau; đó cũng là thể hiện quan điểm nhất quán, trách nhiệm thường xuyên, liên tục của Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về quyền trẻ em.

Trẻ em bị bạo lực nhiều nhất bởi người thân trong gia đình

2551-bao-luc-tre-em3

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà báo cáo tại phiên giải trình. Ảnh: TTXVN

Báo cáo tóm tắt về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, trong đó có nhóm quyền được bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 2 nghị định; 4 quyết định và 1 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; 2 thông tư, 3 quyết định và 2 công điện của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em.

Với trách nhiệm là cơ quan điều phối, phối hợp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham gia với các bộ, ngành trung ương trong xây dựng chính sách, pháp luật và văn bản đôn đốc, hướng dẫn thực hiện quyền bảo vệ trẻ em. Các cơ quan thông tin, truyền thông, mạng xã hội quan tâm đến công tác bảo vệ trẻ em. Những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em gây ra bởi người quen, thành viên trong gia đình trở thành vấn đề xã hội bức xúc, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, theo dõi, đánh giá.

Sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cơ quan chức năng cấp trung ương và chính quyền một số địa phương trong chỉ đạo, giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em đã từng bước củng cố niềm tin của người dân, tạo sự ủng hộ từ dư luận xã hội, đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội có sự phối hợp, hợp tác tốt trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em, thúc đẩy thực hiện các cam kết quốc tế liên quan đến quyền trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được trên, báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ tình hình xâm hại trẻ em năm 2021 mặc dù giảm 1,6% về số vụ nhưng diễn biến phức tạp và xảy ra một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong năm 2021, theo báo cáo của Bộ Công an, trên toàn quốc phát hiện 1.914 vụ xâm hại trẻ em, với 2.198 đối tượng, xâm hại 1.987 em, giảm 31 vụ so với năm 2020; song tại 19 tỉnh, số vụ lại tăng trên 15% và 15 tỉnh, thành phố, số vụ tăng dưới 15%.

2614-bao-luc-tre-em4

Đại biểu dự phiên giải trình. Ảnh: TTXVN

Công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình chưa được quan tâm đúng mức, như trong năm 2021, theo báo cáo của Tổng đài 111, trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao nhất, chiếm 72,84%, tăng 5,3% so với năm 2020. Từ đó, để xảy ra một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội như vụ mẹ đẻ bạo hành con gái 6 tuổi ở Hải Dương; vụ bé gái 8 tuổi bị "người tình" của bố bạo lực ở Thành phố Hồ Chí Minh dẫn tới tử vong; vụ bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị "cha dượng" bạo hành, đóng đinh vào đầu; vụ người bố dùng dao cứa cổ 2 con,…

Việc thông tin, thông báo, tố giác các trường hợp trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại thực hiện chưa tốt, vẫn còn một nhiều người thờ ơ, vô cảm, không thông tin, thông báo kịp thời tới cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền bảo vệ trẻ em.

Các kênh thông tin, truyền thông, bao gồm cả truyền thông đại chúng, mạng xã hội vẫn còn vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em và tập trung đưa quá nhiều, khai thác chi tiết về một số vụ việc, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả công tác bảo vệ trẻ em đã đạt được trong thời gian qua.

Việc phối hợp cung cấp, kết nối các dịch vụ bảo vệ trẻ em vẫn còn lúng túng, chưa kịp thời; mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em một số nơi, một số thời điểm bị gián đoạn, ảnh hưởng đến cung cấp, kết nối dịch vụ hỗ trợ trẻ em và gia đình các em.

2630-bao-luc-tre-em5

Quang cảnh Phiên giải trình. Ảnh: TTXVN

Năm 2021, nhiều hoạt động có sự tham gia của trẻ em chưa được tổ chức hoặc nhiều tỉnh, thành phố không thể tổ chức được do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội bởi dịch COVID-19.

Báo cáo đã chỉ ra các nguyên nhân của những tồn tại trên như công tác chỉ đạo về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đầu tư nguồn lực cho công tác trẻ em, đặc biệt bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em tại một số địa phương, trường học, cộng đồng dân cư chưa được quan tâm đúng mức; sự xuống cấp về đạo đức của một nhóm xã hội, xuất hiện các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trong một bộ phận người dân…

Báo cáo kiến nghị, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trong Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; tham mưu ban hành chính sách, giải pháp chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nói riêng, trẻ em di cư, trẻ em phải tách khỏi gia đình do bị bạo lực, xâm hại; xây dựng chương trình khắc phục hạn chế, ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đối với trẻ em như: chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội, chăm sóc trẻ em mồ côi nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện của trẻ em...

Việt Đức/TTXVN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...