Chứng khoán Mỹ giảm sâu: Dow Jones mất hơn 800 điểm, Nasdaq rớt 4% xuống đáy một năm
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 26/4 đồng loạt lao dốc khi nhà đầu tư đua nhau bán tháo cổ phiếu giữa lo ngại về nguy cơ kinh tế giảm tốc.
Nasdaq vừa rơi xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua. |
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt 3,95% xuống còn 12.491 điểm, thấp nhất trong hơn 52 tuần qua. Hiện nay Nasdaq đang kém 23% so với đỉnh lịch sử thiết lập cuối năm 2021 và chìm sâu trong vùng thị trường gấu.
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones rớt 809 điểm, tương đương 2,38%, và kết phiên ở 33.240 điểm. S&P 500 cũng giảm 2,81% xuống còn 4.175 điểm.
Chứng khoán Mỹ cắm đầu: Dow Jones mất hơn 800 điểm, Nasdaq rớt 4% xuống đáy một năm. |
So với đầu tháng 4, S&P 500 đã sụt 7,8%, Nasdaq và Dow Jones mất lần lượt 12,2% và 4,2%. Thống kê bên dưới cho thấy, trong 17 phiên giao dịch của tháng 4 cho đến nay, Dow Jones đã giảm 9 phiên, bao gồm phiên lao dốc gần 1.000 điểm cuối tuần trước.
Theo CNBC, cổ phiếu công nghệ là tác nhân chính khiến thị trường lao dốc ngày 26/4, nhà đầu tư quyết định bán tháo trước khi hai đại gia Microsoft và Alphabet thông báo kết quả kinh doanh. Tuần trước, Netflix công bố số liệu hoạt động gây thất vọng và giá cổ phiếu lập tức rớt thảm.
Cổ phiếu của Microsoft và Alphabet giảm lần lượt 3,7% và 3,6% trong phiên 26/4. Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác như Meta, Amazon và Apple cũng đóng cửa trong sắc đỏ. Thống kê bên dưới cho thấy công nghệ là nhóm cổ phiếu giảm mạnh thứ 2 trong chỉ số S&P 500 phiên 26/4, chỉ sau hàng tiêu dùng không thiết yếu.
10/11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều sa sút trong phiên 26/4. |
Những lo sợ của nhà đầu tư trong phiên đã phần nào trở thành hiện thực sau khi thị trường đóng cửa với Alphabet (công ty mẹ của Google và YouTube) thông báo kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích.
Cụ thể, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu quý vừa qua là 24,62 USD, trong khi các nhà phân tích của Refinitiv dự báo 25,91 USD. Tổng doanh thu đạt 68 tỷ USD, thấp hơn con số 68,11 tỷ USD mà Refinitiv dự báo.
Doanh thu quảng cáo từ YouTube gây thất vọng lớn do vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ TikTok. Việc Alphabet công bố kế hoạch chi 70 tỷ USD để mua cổ phiếu quỹ đã phần nào trấn an nhà đầu tư, giá cổ phiếu trong phiên giao dịch ngoài giờ chỉ giảm 2,65%.
Tuần trước, Netflix thông báo số người dùng giảm 200.000 trong quý I và giá cổ phiếu lập tức cắm đầu 35% trong một phiên, 50 tỷ USD vốn hóa bị thổi bay. Phiên 26/4, Netflix tiếp tục giảm 5,5% xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm.
Ở chiều ngược lại, vào cuối buổi chiều 26/4, Microsoft thông báo kết quả kinh doanh khả quan, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều vượt kỳ vọng của giới phân tích. Giá cổ phiếu Microsoft có lúc tăng 6% trong phiên giao dịch ngoài giờ. Meta, Amazon và Apple sẽ công bố báo cáo tài chính trong những ngày còn lại của tuần này.
CNBC dẫn lời ông Dan Niles, Nhà sáng lập và quản lý danh mục cấp cao của Satori Fund, nhận định: “Trong đợt công bố lợi nhuận của nhóm công nghệ vốn hóa lớn, tỷ lệ lợi nhuận – rủi ro không còn hấp dẫn với nhà đầu tư”.
Ông Chris Senyek, Giám đốc chiến lược đầu tư của Wolfe Research cho rằng đợt tăng nóng của nhóm Big Tech trong những năm gần đây “nhiều khả năng sẽ đảo chiều rớt mạnh khi các yếu tố cơ bản suy yếu rõ rệt trong lúc nền kinh tế chung chậm lại”.
Những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu ngày càng hiện hữu. Nhà đầu tư cho rằng đợt bùng phát COVID-19 mới ở Trung Quốc sẽ làm giảm tốc kinh tế thế giới.
Liên quan tới xung đột quân sự Nga - Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo nguy cơ chiến tranh thế giới hay thậm chí chiến tranh hạt nhân rất có thể xảy ra.
Tại Mỹ, lạm phát lên cao nhất 4 thập kỷ đang ảnh hưởng xấu tới nhu cầu của hầu hết mặt hàng, từ giày dép cho tới những ngôi nhà.
Ông Peter Bookvar, Giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group, nhận định: “Hiện có rất nhiều lo ngại liên quan tới tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc là một khách hàng lớn của ngành công nghệ Mỹ. Các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ làm ăn rất nhiều ở Trung Quốc. Chưa kể, tăng trưởng của chính nước Mỹ cũng là vấn đề đáng ngại”.
Hãng xe điện Tesla có một nhà máy lớn ở thành phố Thượng Hải và coi Trung Quốc là thị trường trọng điểm. Giá cổ phiếu Tesla phiên vừa qua lao dốc 12,2%, hơn 120 tỷ USD vốn hóa biến mất chỉ sau một phiên. Cổ phiếu các hãng sản xuất chip cũng đi xuống, Nvidia và AMD mất lần lượt 5,6% và 6,1%.
Những cổ phiếu cơ bản gắn liền với quá trình hồi phục kinh tế đều giảm theo xu hướng chung. Cổ phiếu 3M mất 3% dù công bố lợi nhuận tích cực, lãnh đạo công ty lo ngại những thách thức về kinh tế vĩ mô và địa chính trị ở phía trước. Cổ phiếu hãng giao vận UPS sụt 3,5%, bất chấp kết quả kinh doanh khả quan.
Các đại gia công nghiệp Boeing và General Electric (GE) tụt dốc tương ứng 5% và 10,3%. GE cảnh báo triển vọng năm 2022 “đang dần tụt xuống mức thấp trong khoảng kỳ vọng” của công ty.
Cổ phiếu ngân hàng cũng chìm trong sắc đỏ khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tụt xuống dưới ngưỡng 2,8%. Wells Fargo và Bank of America giảm lần lượt 2,7% và 2,3%.
Song Ngọc