Dự báo thị trường chứng khoán từ dư nợ margin
Khi có những thông tin về tình trạng dư nợ margin căng cứng tại một số công ty chứng khoán (đặc biệt là các công ty chứng khoán lớn) nhà đầu tư nên chủ động hạ bớt tỷ trọng vay nợ trong tài khoản của mình, điều này có thể khiến nhà đầu tư không bán được cổ phiếu đúng đỉnh của thị trường, tuy nhiên sẽ giúp được nhà đầu tư hạn chế được tối đa số tiền thua lỗ khi thị trường điều chỉnh.
Hình minh họa |
Năm 2020-2021 được coi là giai đoạn vàng của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi VN-Index lần lượt chinh phục các đỉnh cao mới trong lịch sử, đi kèm với đó là thanh khoản thị trường cũng tăng rất mạnh từ 5-7 lần so với giai đoạn trước đó (có những phiên giao dịch tổng giá trị thanh khoản thị trường đạt ngưỡng ~ 2 tỷ USD). Bên cạnh dòng tiền từ vốn tự có của các nhà đầu tư, hàng trăm nghìn tỷ đồng từ dư nợ margin của các công ty chứng khoán được đổ vào thị trường đã giúp thị trường đạt được những kỷ lục mới về mặt điểm số cũng như về thanh khoản
Theo quy định hiện hành, dư nợ margin không được phép vượt quá hai lần vốn chủ sở hữu của công ty, do đó các công ty chứng khoán đã rất nhanh nhạy khi liên tục tăng vốn trong giai đoạn 2020-2021 để nới hạn mức về cho vay margin.
Dưới góc độ nhà đầu tư, việc sử dụng margin trong đầu tư được coi như một con dao hai lưỡi, trong bối cảnh điều kiện thị trường thuận lợi, việc sử dụng đòn bẩy sẽ giúp nhà đầu tư tối đa hóa được lợi nhuận, tuy nhiên ở chiều ngược lại, nợ margin sẽ khiến tài khoản sụt giảm nhanh chóng nếu thị trường giảm điểm. Thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022 truyền thông liên tục đưa tin về việc dư nợ margin tại một số công ty chứng khoán đang tiệm cận mức “kịch trần” (tối đa 2 lần vốn chủ sở hữu), theo ngay sau đó là những đợt điều chỉnh mạnh của thị trường (VNIndex đã giảm ~20% từ mức đỉnh ~1.500 điểm).
Như vậy một câu hỏi đặt ra là liệu dư nợ margin có thể đưa ra được tín hiệu về những rủi ro tiềm tàng của thị trường? Cùng nhìn lại trong quá khứ về diễn biến dư nợ margin của top 30 công ty chứng khoán lớn nhất trong 2 giai đoạn 2017-2018 và 2020-Q1/2022 cũng như diễn biến Vnindex trong giai đoạn đó. Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu là tỷ lệ giữa dư nợ margin và vốn chủ sở hữu (VCSH) của các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối mỗi quý.
Một số quan sát từ hình 3 và 4 cho thấy:
- Trong giai đoạn 2020-Q1/2022, dư nợ margin liên tục tăng mạnh ở tất cả các công ty chứng khoán. Đỉnh điểm tại Q1/2022, có 7/10 công ty trong top 10 có tỷ lệ margin trên 1,5 lần vốn chủ và 3/10 công ty có dư nợ margin ở mức kịch trần. Theo ngay sau đó là nhịp giảm ~20% trong quý 2/2022.
- Giai đoạn 2016-2018, mặc dù không đến mức căng thẳng như giai đoạn 2020-Q1/2022, tuy nhiên dư nợ margin tại thời điểm cuối năm 2017 đầu năm 2018 cũng đã tăng mạnh so với giai đoạn trước đó. Trong top 10, có 5/10 công ty có tỷ lệ dư nợ margin vượt 1,5 lần vốn chủ, sau đó là nhịp điều chỉnh giảm ~18% trong Q2/2018.
Từ những quan sát trên, vậy kinh nghiệm nào có thể giúp nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư mới, chưa có nhiều kinh nghiệm) giảm thiểu được thua lỗ trong bối cảnh thị trường điều chỉnh mạnh?
Khi có những thông tin về tình trạng dư nợ margin căng cứng tại một số công ty chứng khoán (đặc biệt là các công ty chứng khoán lớn) nhà đầu tư nên chủ động hạ bớt tỷ trọng vay nợ trong tài khoản của mình, điều này có thể khiến nhà đầu tư không bán được cổ phiếu đúng đỉnh của thị trường, tuy nhiên sẽ giúp được nhà đầu tư hạn chế được tối đa số tiền thua lỗ khi thị trường điều chỉnh. Ví dụ như thời điểm cuối năm 2021, đầu năm 2022, nếu hạ bớt tỷ trọng margin từ giai đoạn cuối quý 3, nhà đầu tư sẽ không tối đa được lợi nhuận trong nhịp tăng ~12% tại Q4/2021 nhưng sẽ hạn chế được đáng kể số tiền thua lỗ ở những đợt điều chỉnh mạnh sau đó (~7% trong tháng 1/2022 và ~20% trong Quý 2/2022).
Trang Nhi t/h từ nguồn TCBS