Tín dụng tiêu dùng: Lực đẩy kinh tế hay "con dao hai lưỡi"?
Tín dụng tiêu dùng đang được kỳ vọng là động lực quan trọng để kích cầu nội địa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, nếu không kiểm soát chặt chẽ, "con dao hai lưỡi" này có thể khiến nhiều người vay rơi vào vòng xoáy nợ nần, còn hệ thống ngân hàng đối mặt với rủi ro nợ xấu gia tăng.
Tín dụng tiêu dùng đang được kỳ vọng là động lực quan trọng để kích cầu nội địa và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Đ.H
Giới chuyên gia cảnh báo muốn tín dụng tiêu dùng phát triển bền vững, cần bắt đầu từ gốc rễ, đó là minh bạch sản phẩm, giám sát chặt mục đích vay và giáo dục tài chính cá nhân ngay từ ghế nhà trường.
Tín dụng tiêu dùng sẵn sàng tăng tốc
Năm 2025 được dự báo sẽ là giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ của tín dụng tiêu dùng, với sự hội tụ của nhiều yếu tố hỗ trợ đến từ cả môi trường vĩ mô lẫn vi mô. Trong bối cảnh sức mua nội địa đang dần phục hồi, nhu cầu chi tiêu của người dân tăng trở lại và hệ thống ngân hàng tiếp tục đổi mới, tín dụng tiêu dùng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò động lực quan trọng cho tăng trưởng tín dụng toàn ngành.
Theo báo cáo ngành ngân hàng của Chứng khoán MBS, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 có thể đạt từ 17 - 18%, trong đó tín dụng bán lẻ, đặc biệt là cho vay tiêu dùng, sẽ giữ vai trò dẫn dắt. Nguyên nhân chủ yếu đến từ mức nền tăng trưởng thấp của các năm trước, cùng với sự phục hồi dần của chi tiêu hộ gia đình trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và các chính sách kích cầu có hiệu lực. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các cải cách trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng sẽ khuyến khích việc đi vay.
“Chúng tôi tin rằng tín dụng tài chính tiêu dùng sẽ phục hồi trong năm 2025 nhờ sự phục hồi của nền kinh tế, với kế hoạch tăng trưởng GDP được đẩy nhanh và thu nhập hộ gia đình gia tăng, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tín dụng trong lĩnh vực này”, chuyên gia MBS nhận định.
Đồng quan điểm, Chứng khoán VnDirect dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể lên tới 19,9%, với tỷ trọng đáng kể đến từ các khoản vay phục vụ mục đích cá nhân như chi tiêu sinh hoạt, học tập, mua sắm hoặc cải thiện nhà ở. Theo đánh giá của VnDirect, ba yếu tố chính sẽ tạo động lực cho sự hồi phục này bao gồm: xu hướng gia tăng thu nhập hộ gia đình, niềm tin tiêu dùng được cải thiện và chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng, điển hình là gia hạn giảm thuế VAT cũng như các ưu đãi cho lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng.
SSI Research cũng cho rằng tín dụng tiêu dùng sẽ tiếp tục là phân khúc tăng trưởng vượt trội trong năm nay, đặc biệt khi nhiều ngân hàng đang chủ động chuyển dịch cơ cấu tín dụng từ doanh nghiệp sang cá nhân. Các sản phẩm tín dụng như vay mua nhà, mua ô tô, tiêu dùng trả góp, thẻ tín dụng hoặc vay qua nền tảng tài chính số hóa đang được đẩy mạnh triển khai nhờ hạ tầng công nghệ phát triển và xu hướng tiêu dùng trực tuyến ngày càng phổ biến.
Không chỉ từ phía cầu, phía cung tín dụng cũng đang có những chuyển biến mạnh mẽ. Các tổ chức tín dụng ngày càng cạnh tranh khốc liệt trong mảng tài chính cá nhân, tập trung mở rộng cho vay tín chấp và rút ngắn quy trình phê duyệt thông qua việc ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), định danh điện tử (eKYC)... Theo đánh giá của Chứng khoán HSC, đến cuối năm 2025, hơn 60% các khoản vay tiêu dùng mới có thể được xử lý hoàn toàn qua nền tảng số. Việc số hóa quy trình giúp giảm chi phí vận hành, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận đến các nhóm khách hàng trẻ, chưa có lịch sử tín dụng rõ ràng.
Dưới góc nhìn học thuật, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, nhấn mạnh trong bối cảnh sức mua phục hồi còn chậm, đặc biệt ở nhóm thu nhập trung bình và thấp, tín dụng tiêu dùng cần được mở rộng hợp lý. Theo ông, đây không chỉ là biện pháp “kích cầu tức thời”, mà còn mang ý nghĩa trung hạn trong việc duy trì chuỗi luân chuyển của cải – tiêu dùng – sản xuất – đầu tư trong nền kinh tế.
“Tín dụng tiêu dùng chính là nhịp cầu kết nối giữa kỳ vọng sống tốt hơn của người dân và khả năng tăng trưởng của nền kinh tế. Nếu được định hướng đúng đắn, nó không chỉ phục vụ chi tiêu trước mắt mà còn giúp kích thích cầu nội địa một cách có kiểm soát, tạo sức bật cho khu vực sản xuất và bán lẻ”, ông Huy nói.
Không để tín dụng tiêu dùng là “con dao hai lưỡi”
Dù được kỳ vọng là động lực quan trọng cho phục hồi kinh tế và kích cầu nội địa, tín dụng tiêu dùng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu không được kiểm soát hiệu quả. Các công ty chứng khoán đều cảnh báo, nếu đà mở rộng tín dụng tiêu dùng diễn ra quá nhanh, thiếu cơ chế giám sát, nguy cơ nợ xấu gia tăng là hoàn toàn hiện hữu. Tình trạng phê duyệt ồ ạt, thẩm định kém và thông tin không minh bạch có thể tạo ra hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ với người vay mà còn ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống tài chính.
Theo chuyên gia Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, tín dụng tiêu dùng tuy tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro nếu buông lỏng quản lý. “Để tín dụng tiêu dùng không trở thành ‘con dao hai lưỡi’, cần có cơ chế kiểm soát rủi ro”, ông nhấn mạnh.
Ông Huy đề xuất ba điều kiện tiên quyết để tín dụng tiêu dùng không trượt khỏi quỹ đạo an toàn. Thứ nhất, cần nâng cao năng lực thẩm định hành vi tiêu dùng, không chỉ dựa vào báo cáo thu nhập mà phải kết hợp phân tích dữ liệu hành vi số (digital footprint), mô hình AI và dự báo năng lực trả nợ. Thứ hai, các tổ chức tài chính cần thiết kế sản phẩm tín dụng minh bạch, có tính đạo đức, tránh "bẫy lãi suất" với người vay thiếu kiến thức. Thứ ba, cơ quan quản lý cần giám sát tăng trưởng tín dụng cá nhân theo hướng kiểm soát lạm phát, cảnh báo sớm cho hệ thống tín dụng, theo dõi mục đích sử dụng vốn nhằm ngăn chặn tình trạng vay tiêu dùng nhưng sử dụng sai mục đích.
Trong góc nhìn của ông Huy, vấn đề cốt lõi chính là giáo dục tài chính cá nhân. Ông cho rằng: “Chỉ khi người dân thực sự hiểu sản phẩm tín dụng, nhận diện được rủi ro và chủ động quản trị dòng tiền cá nhân thì họ mới mạnh dạn tiếp cận tín dụng, sử dụng đúng mục đích và trả nợ đúng hạn. Điều này không chỉ giúp ngân hàng giảm nợ xấu, mà còn củng cố niềm tin thị trường và khả năng phục hồi kinh tế.”
Không dừng lại ở khuyến nghị ngắn hạn, ông Huy còn nhấn mạnh vai trò giáo dục dài hạn. Theo ông: “Nên đưa giáo dục tài chính cá nhân vào chương trình chính khóa từ bậc phổ thông đến đại học.” Việc hình thành tư duy quản lý tài chính từ sớm sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu đúng, làm đúng và vay đúng – nền tảng để tín dụng tiêu dùng phát triển bền vững thay vì dẫn đến những khủng hoảng nợ cá nhân.
Bên cạnh các giải pháp quản lý và giáo dục, ông Huy cho hay cần ưu tiên phát triển tín dụng cá nhân theo hướng có mục tiêu rõ ràng. Ba nhóm đối tượng được đề xuất tập trung gồm: người lao động trẻ tại đô thị có thu nhập ổn định nhưng thiếu tích lũy dài hạn; khách hàng vay cho mục tiêu học tập, y tế hoặc nâng cấp đời sống, những lĩnh vực có khả năng hoàn vốn trong tương lai và người tiêu dùng sử dụng các nền tảng số như ví điện tử, mua trước trả sau, nơi dữ liệu có thể hỗ trợ đánh giá hành vi tài chính rõ ràng hơn.
Kết lại, ông Huy nhấn mạnh rằng tín dụng tiêu dùng chỉ thực sự trở thành động lực kinh tế khi người dân được trang bị đầy đủ kiến thức và nhận thức đúng đắn.
“Chỉ khi từng người dân hiểu rằng vay tiền không phải là ‘được cho’, mà là ‘cam kết hoàn trả có trách nhiệm’, thì tín dụng tiêu dùng mới thực sự trở thành một động lực bền vững – không chỉ để kích cầu hôm nay, mà còn để định hình sự phát triển lành mạnh của hệ thống tài chính và xã hội trong tương lai”, ông Huy cảnh báo.