Nếu tâm lý không được giải toả, thị trường chỉ có thể dao động quanh mốc 1.200-1.250 điểm
Theo chuyên gia: “Có ba yếu tố có thể kích hoạt đà tăng của thị trường là vĩ mô, doanh nghiệp và dòng tiền. Hiện tại, hai yếu tố vĩ mô, doanh nghiệp vẫn ổn định, song yếu tố về tâm lý và dòng tiền dường như bị “triệt tiêu” trong thời điểm hiện tại. Nếu tâm lý không được giải toả, thị trường chỉ có thể dao động quanh mức 1.200 - 1.250 điểm".
Không ngoài dự đoán, FED đã tiếp tục nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong kỳ họp FOMC. Nhưng đáng chú ý hơn là việc Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố quá trình tăng lãi suất có thể tiếp diễn trong thời gian tới và chỉ hạ lãi suất từ năm 2024 khi lạm phát đã được kiểm soát. Chính điều này đã khiến cho thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm.
Góc chuyên gia: Thị trường cân bằng để chờ tiếp thông tin. Hình min họa |
Diễn biến tại thị trường Việt Nam cũng là tiêu cực trong phần lớn thời gian phiên 22/9 khi các chỉ số đều chìm trong sắc đỏ. Nhưng lực cầu gia tăng từ cuối phiên chiều trở đi giúp mức giảm dần được thu hẹp và các chỉ số thị trường đã kết phiên trong sắc xanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, phản ứng có phần bình tĩnh của thị trường cùng với mức nền thanh khoản cạn kiệt là dấu hiệu thị trường có thể tạo đáy ngắn hạn. Liệu tâm lý thị trường đã được “cởi trói” và thông tin tiêu cực đã được hấp thụ hết?
Bàn luận về vấn đề này, ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cho rằng, chưa thể khẳng định thông tin tiêu cực đã phản ứng hết vào đà giảm. Bởi, trong cuộc họp mới đây, Fed đã nhấn mạnh việc tăng lãi suất dự kiến còn kéo dài đến năm 2024. Nếu đúng như dự kiến, Fed vẫn chưa đi được nửa chặng đường trong cuộc chiến chống lạm phát này.
Thậm chí, Fed dự kiến mức lãi suất có thể lên đến 4,6%, nhưng chỉ trong trường hợp lạm phát phải hạ nhiệt. Và cũng chưa có gì đảm bảo khi mạnh tay tăng lãi suất lên mức đó, Fed sẽ “chùn tay” hay tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao như vậy.
Do đó, chuyên gia cho rằng, một phiên hồi phục của chứng khoán chưa thể nói được điều gì, rủi ro còn tiềm ẩn rất nhiều. Trên thực tế, đà giảm của thị trường trước đó đã phản ánh mức tăng lãi suất này, nên phản ứng của thị trường phiên 22/9 chỉ diễn ra đúng kỳ vọng.
Nhìn về triển vọng từ nay đến cuối năm, ông Khánh cho rằng, dự báo tích cực nhất là chỉ số không xuyên thủng vùng đáy cũ, bởi lẽ các yếu tố tiêu cực nhất như lạm phát, lãi suất hay suy thoái đều đã được dự đoán trước. Tuy nhiên, để kỳ vọng thị trường hồi phục mạnh mẽ thì rất khó xảy ra khi thanh khoản suy yếu như hiện tại.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Phân tích Thị trường CTCK Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, thông tin tăng lãi suất cơ bản đã được chiết khấu, song chưa phản ánh hết. Chứng khoán Mỹ bi quan sau thông báo tăng lãi suất có thể kéo dài đến năm 2024. Chứng khoán Việt Nam sau khi giảm trong phiên sáng 22/9 cũng đã dần lấy lại cân bằng. Bởi động thái của Fed dù có tác động, nhưng yếu tố mấu chốt vẫn là NHNN có tăng lãi suất hay không.
Theo chuyên gia, việc Fed tiếp tục chính sách “diều hâu” có thể gây suy thoái kinh tế Mỹ trong năm nay và đầu năm 2023. Điều này có thể khiến tình hình xuất khẩu của Việt Nam gặp khó, thặng dư thương mại yếu đi và gây áp lực lên tỷ giá. Thời gian tới, thị trường có thể sẽ cân bằng để chờ tiếp thông tin, nếu tiếp tục tăng lãi suất thì phản ứng tiêu cực thêm.
Yếu tố tác động đến thanh khoản
Đánh giá về mức thanh khoản cạn kiệt của thị trường, chuyên gia nêu hai yếu tố tác động chính:
Thứ nhất, thời gian thị trường giảm điểm chỉ vỏn vẹn 5 tháng, số lượng nhà đầu nhà đầu tư đang “kẹt” ở vùng đỉnh vẫn còn rất nhiều. Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ, vĩ mô quốc tế nhiều rủi ro, cơ hội đầu tư giảm cũng khiến giao dịch giảm đi đáng kể. Hầu hết nhà đầu tư chỉ cố thủ, chờ những nhịp hồi để chốt lời. Trong xu hướng downtrend, chuyên gia cho rằng đợt hồi 4 - 5 tuần qua là đợt hồi tốt nhất, những đợt hồi sau biên độ tăng sẽ yếu đi.
Thứ hai, nhiều người thắc mắc tại sao lượng tiền gửi nhà đầu tư tại công ty chứng khoán vẫn dồi dào nhưng thanh khoản mất hút. Điều đó không có gì khó hiểu bởi công ty chứng khoán có dịch vụ gửi tiền nên tiền chưa rút ra. Tuy nhiên, để hút tiền vào thị trường là vấn đề khác. Dòng tiền vẫn sẽ “nằm im” và chỉ chảy vào thị trường khi rủi ro vơi dần và có những tín hiệu rõ ràng hơn về bối cảnh thế giới.
“Có ba yếu tố có thể kích hoạt đà tăng của thị trường là vĩ mô, doanh nghiệp và dòng tiền. Hiện tại, hai yếu tố vĩ mô, doanh nghiệp vẫn ổn định, song yếu tố về tâm lý và dòng tiền dường như bị “triệt tiêu” trong thời điểm hiện tại. Nếu tâm lý không được giải toả, thị trường chỉ có thể dao động quanh mức 1.200 - 1.250 điểm".
Quỳnh Nga