Triển vọng thị trường chứng khoán quý IV/2022: Giai đoạn nhà đầu tư “đãi cát tìm vàng”
KBSV kỳ vọng với sức đề kháng tốt hơn ở góc độ vĩ mô nền kinh tế lẫn vi mô doanh nghiệp giúp triển vọng tăng trưởng ở EPS toàn thị trường tích cực hơn so với các thị trường phát triển khác vốn có nền kinh tế đang đối mặt với rủi ro suy thoái. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ diễn biến tích cực hơn tương đối so với nhiều thị trường khác trên thế giới và trong khu vựC.
Công ty chứng khoán KB Việt Nam – KBSV vừa đưa ra báo cáo chiến lược quý IV/2022, theo đó, KBSV điều chỉnh vùng điểm hợp lý của chỉ số VN-Index xuống mức 1.330 điểm thời điểm cuối năm.
VN-Index đạt 1.330 điểm tại thời điểm cuối năm
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trải qua nhịp hồi phục trong nửa đầu quý III sau khi giảm mạnh về vùng hỗ trợ đáng chú ý với nhiều cổ phiếu về vùng định giá hấp dẫn, giá hàng hóa hạ nhiệt, trong khi TTCK thế giới diễn biến tích cực trước kỳ vọng Fed sẽ chậm lại tốc độ tăng lãi suất. Nửa sau quý III, chứng khoán Việt quay trở lại xu hướng điều chỉnh, tương đồng với TTCK toàn cầu trước rủi ro lạm phát, suy thoái, lãi suất tăng, các rủi ro địa chính trị cũng như rủi ro tỷ giá trong nước.
Xét cho quý III, chỉ số VN-Index tăng 0,86% so với thời điểm đầu quý, trong khi thanh khoản giảm 27% so với cùng kỳ. Thị trường Việt Nam đang được định giá hấp dẫn trong tương quan so sánh với các TTCK trong khu vực.
Kể từ thời điểm chịu tác động bởi dịch Covid-19, TTCK Mỹ và TTCK Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ, biểu hiện qua biến động chỉ số P/E của S&P 500 và VN-Index. Nguyên nhân của sự tương đồng này xuất phát từ việc các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường trong hơn 2 năm trở lại đây có độ phủ trên quy mô toàn cầu.
TTCK Việt Nam, dù có 1 nền kinh tế với nội tại vững vàng hơn với tăng trưởng GDP cả năm 2022 dự báo quanh 7,5%, trong khi lạm phát dưới mức mục tiêu 4%, cũng không tránh khỏi việc chịu ảnh hưởng từ các yếu tố ngoại biên dẫn đến các nhịp điều chỉnh sâu trong năm 2022.
Với việc môi trường đầu tư toàn cầu còn nhiều yếu tố bất định trong 3 tháng cuối năm, chúng tôi đánh giá các yếu tố ngoại biên vẫn mang tính chất chi phối diễn biến thị trường trong nước.
Dù vậy, KBSV kỳ vọng với sức đề kháng tốt hơn ở góc độ vĩ mô nền kinh tế lẫn vi mô doanh nghiệp giúp triển vọng tăng trưởng ở EPS toàn thị trường tích cực hơn so với các thị trường phát triển khác vốn có nền kinh tế đang đối mặt với rủi ro suy thoái. Theo đó, TTCK Việt Nam vẫn sẽ diễn biến tích cực hơn tương đối so với nhiều thị trường khác trên thế giới và trong khu vựC.
Đối với dự báo triển vọng TTCK từ nay đến cuối năm, KBSV dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE đạt 18,3%; đồng thời giảm mức P/E mục tiêu xuống 13 lần, phản ánh các lo ngại gia tăng về các yếu tố ngoại biên, kết hợp với diễn biến tăng của mặt bằng lãi suất trong nước. Tương ứng với đó, VN-Index được dự báo đạt mức 1.330 điểm vào thời điểm cuối năm.
Các yếu tố gây ảnh hưởng đến dự báo bao gồm: Sự đổ vỡ ở thị trường trái phiếu bất động sản trong nước, lạm phát hoặc tỷ giá diễn biến căng thẳng trở lại, lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng mạnh, Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, các nền kinh tế lớn bước vào suy thoái, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sụt giảm nhanh.
Khó khăn trong nửa cuối năm 2022
Các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn trong nửa sau năm 2022 khi nhiều yếu tố hỗ trợ từ đầu năm dần suy yếu. Tình hình vĩ mô thế giới có nhiều bất ổn trước lo ngại suy thoái kinh tế khi căng thẳng địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngân hàng trung ương các quốc gia đồng loạt tăng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối, thiếu hụt và đứt gãy chuỗi cung ứng, trong khi rủi ro nội tại gia tăng liên quan lãi suất trong nước tăng, dư địa tăng trưởng tín dụng hạn chế và rủi ro liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Liên quan đến giá hàng hóa và lương thực, dù đã giảm đáng kể so với mức đỉnh, đây vẫn là yếu tố khó đoán định. Theo đó, nhiều khả năng lợi nhuận một số ngành có sự tăng trưởng mạnh thời gian trước như thép, thủy sản, gỗ, dệt may đã tạo đỉnh trung hạn và suy giảm trong nửa cuối năm trong khi nhóm bất động sản tiếp tục gặp khó khăn. Tuy nhiên, dù giảm so với đầu năm nhưng kết quả kinh doanh nhiều nhóm ngành vẫn có khả năng tăng trưởng so với cùng kỳ do mức nền thấp của quý III/2021 trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội. Ở chiều hướng tích cực, nhóm tiện ích, chăn nuôi, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin được đánh giá sẽ có kết quả kinh doanh cải thiện.
Yếu tố hỗ trợ kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết trong nửa cuối năm đến từ việc đẩy mạnh đầu tư công, các gói hỗ trợ tiếp tục được triển khai, cũng như sự phục hồi của các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ trong nước.
KBVS dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HSX đạt 18,3% YoY trong năm 2022. Trong đó, nhóm ngành dự phóng có sự tăng trưởng cao nhất là nhóm tiện ích (+63,6%) nhờ tình hình thời thiết thuận lợi và nhu cầu gia tăng, công nghiệp (+37,9%) do hoạt động sản xuất hồi phục sau dịch và mức nền thấp năm 2021, nhóm công nghệ thông tin (+21,8%) giữ vững đà tăng trưởng hai chữ số.
Bên cạnh đó, nhóm năng lượng giảm chủ yếu do EPS giảm của Petrolimex (PLX) bởi trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và việc giảm lợi nhuận của MSN do năm 2021 Masan Group đã thoái vốn khỏi mảng thức ăn chăn nuôi cho De Heus.
Giai đoạn nhà đầu tư cần “đãi cát tìm vàng”
Với việc thận trọng trước những bất ổn vĩ mô, có thể gây ra áp lực tới triển vọng kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng thị trường sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Do đó, đây là giai đoạn nhà đầu tư cần “đãi cát tìm vàng”, tập trung vào các doanh nghiệp có câu chuyện riêng để lựa chọn cho danh mục trong nửa cuối năm 2022.
Từ góc độ top-down, một số chủ đề đầu tư nổi bật trong quý IV bao gồm: Đẩy mạnh đầu tư công, đứt gãy nguồn cung do xung đột và thiên tai và nỗ lực giải cứu ngành bất động sản Trung Quốc. Theo đó, nhóm ngành được hưởng lợi như nhóm vật liệu xây dựng, hạ tầng, xây lắp điện, bất động sản khu công nghiệp, lương thực, chăn nuôi và hóa chất.
Từ góc độ triển vọng ngành, trong quý IV/2022, bộ phận phân tích doanh nghiệp đánh giá tích cực đối với triển vọng các ngành khu công nghiệp, điện, dầu khí, công nghệ thông tin, cảng biển, bán lẻ, thủy sản.
Quỳnh Nga