Triết lý đầu tư vượt thời gian của Benjamin Graham - Người thầy của những huyền thoại Phố Wall
Không chỉ là một nhà đầu tư đại tài, Benjamin Graham còn là người truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ nhà đầu tư. Là người đi đầu trong chiến lược đầu tư giá trị, Benjamin Graham chính là kim chỉ nam soi sáng cho sự nghiệp của nhiều nhà đầu tư vĩ đại khác trên thế giới.
Triết lý đầu tư giá trị của Benjamin Graham
Trong suốt sự nghiệp đầu tư của mình, Benjamin Graham đã để lại nhiều bài học đắt giá để giúp các nhà đầu tư thành công. Những phương pháp đầu tư của Graham, được đúc kết lại thành những nguyên tắc rất rõ ràng:
Lợi nhuận an toàn là ưu tiên hàng đầu
Ở đây lợi nhuận an toàn có thể được hiểu là mua chứng khoán với giá giảm tới giá trị thực của nó. Việc này không chỉ giúp nhà đầu tư có cơ hội thu được lãi lớn mà còn hạn chế được những rủi ro giảm giá trong đầu tư. Nói một cách dễ hiểu, giả sử nếu Graham muốn mua một tài sản có giá trị 1 USD, ông sẽ trả giá và mua với mức giá chỉ 0.5 USD. Khi thị trường bất ngờ đi xuống, nó cũng có thể giúp hạn chế bớt những rủi ro không lường trước.
Benjamin Graham (ảnh nguồn internet) |
Những khoản lợi nhuận an toàn nhờ việc mua lại công ty được định giá thấp hơn giá trị thực của nó chính là điểm đặc trưng trong những thương vụ nổi tiếng của Graham.
Graham đã đánh giá chọn lọc rất kỹ lưỡng các cổ phiếu có giá trị thấp này và nhận ra rằng sẽ khó có thể xuất hiện sự sụt giá ở chúng thêm nữa. Chính vì vậy mà các học trò của Graham dù có áp dụng chiến lược riêng của mình thành công đến mức nào thì vẫn luôn đồng tình với quan điểm “lợi nhuận an toàn” của ông.
Kiếm lợi từ việc đối mặt với sự bất ổn
Đã tham gia vào thị trường thì việc đối mặt với sự bất ổn không còn gì quá xa lạ. Tuy nhiên thay vì bỏ chạy trước những bất ổn thì theo Graham, thị trường suy giảm có thể tạo nên những cơ hội đầu tư tuyệt vời.
Để minh họa cho điều này, Graham đã xây dựng nên hình ảnh “Ngài Thị trường”- cộng sự cũng như đối tác kinh doanh trong tưởng tượng của các nhà đầu tư.
Mỗi ngày, Ngài Thị trường sẽ mang đến cho các nhà đầu tư một mức giá để mua hoặc bán cổ phần kinh doanh. Bạn có thể chấp nhận hoặc phớt lờ ông ta nếu muốn. Khi việc kinh doanh đang phát triển và nhìn viễn cảnh tương lai có vẻ tươi sáng, Ngài Thị trường sẽ trở nên phấn khích và đưa ra mức giá cao ngất ngưởng. Bởi ông ta lo sợ sẽ để mất lợi nhuận trong tương lai. Ngược lại, khi việc kinh doanh không thuận lợi, chỉ nhìn thấy tình trạng khó khăn, Ngài Thị trường sẽ chán nản và đề nghị mức giá thấp với bạn.
Có một quy luật Graham nhắc nhở bạn luôn phải tuân thủ khi giao dịch với Ngài Thị trường đó là phải cẩn thận trước những “cám dỗ” mà Ngài Thị trường đưa ra. Nên nhớ, Ngài thị trường là đối tác, không phải người hướng dẫn đầu tư của bạn. Ngài Thị trường không phải là kẻ ngốc để bạn có thể lợi dụng. Nhưng, bạn nên nắm bắt cơ hội, tận dụng sơ hở từ tính hai mặt của ông ta để đầu tư thành công.
Cách tốt nhất để đầu tư thuận lợi với Ngài thị trường đó là canh thời điểm ông ta chán nản đưa ra mức giá thấp để mua cổ phiếu và bán ra khi ông ta nhìn thấy những điểm tích cực của tương lai. Để tránh những cám dỗ Ngài thị trường có thể tạo ra để thu hút bạn, Graham muốn bạn biết rằng giá trị nội tại của công ty không phụ thuộc vào đánh giá của thị trường ở thời điểm hiện tại. Nhờ vậy bạn sẽ tránh được những rủi ro vì đánh giá không chính xác.
Graham đã đưa ra hai chiến thuật để hạn chế những tác động tiêu cực từ sự bất ổn của thị trường: Bình ổn giá trị Dollar; Đầu tư cả cổ phiếu và trái phiếu.
Bình ổn giá trị Dollar được thực hiện bằng cách thường xuyên mua cổ phiếu tương đương một giá trị Dollar nhất định. Chiến thuật này giúp nhà đầu tư duy trì ổn định giá, phù hợp với các nhà đầu tư thụ động. Với chiến thuật bình ổn giá trị Dollar, nhà đầu tư có thể bớt đi một phần mối lo lắng trong việc chọn mua cổ phiếu với mức giá bao nhiêu trong thời điểm nào thì thích hợp.
Còn đầu tư cả cổ phiếu và trái phiếu sẽ giúp nhà đầu tư phân bổ được một danh mục bao quát thị trường, bảo toàn được vốn kể cả khi thị trường suy thoái. Như đã nói ở trên, Graham đề cao việc bảo toàn vốn trước sau đó mới là tăng trưởng. Vì vậy ông đề xuất mức đầu tư vào trái phiếu trong khoảng 25 – 75% tùy tình hình thị trường. Điểm mạnh của chiến lược này đó là giữ nhà đầu tư tránh được cảm giác bất an khiến dễ bị cám dỗ bởi những thương vụ rủi ro cao.
Xác định loại nhà đầu tư đúng nhất với bản thân
Graham cho rằng việc xác định rõ cá tính đầu tư của riêng mình cũng là một việc cần thiết trong đầu tư. Để dễ hình dung hơn, ông đưa ra sự so sánh cụ thể giữa các nhóm nhà đầu tư khác nhau trên thị trường.
Theo Graham, có thể chia nhà đầu tư thành hai nhóm: Nhóm chủ động (nhóm tấn công); Nhóm bị động (nhóm phòng thủ).
Nhóm chủ động thường là những nhà đầu tư thực sự dành nhiều thời gian và công sức để đầu tư có kế hoạch kỹ lưỡng. Nếu thuộc nhóm này, bạn sẽ là những người chủ động tìm kiếm những cơ hội đầu tư với tiềm năng thu được lợi nhuận lớn.
Ngược lại, nếu không đủ khả năng để tìm hiểu quá sâu về đầu tư, chỉ có thể thụ động nghe theo sự chỉ dẫn từ người khác, chắc hẳn bạn thuộc nhóm thụ động. Với nhóm này, bạn sẽ phải chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn nhưng không phải mất nhiều thời gian công sức.
Đối với Graham, thay vì quan niệm quen thuộc “rủi ro = lợi nhuận”, ông cho rằng “công sức = lợi nhuận” mới là chính xác. Càng bỏ nhiều công sức thì lợi nhuận thu được sẽ càng cao hơn. Dù là một nhà đầu tư thụ động, bạn vẫn có thể đạt được lợi nhuận trung bình nếu đầu tư vào một danh mục được lựa chọn tốt.
Graham nhận thấy, có nhiều người cho rằng nếu dễ dàng thu được lợi nhuận trung bình mà không mất nhiều công sức (nhờ danh mục đầu tư) thì chỉ cần bỏ ra thêm một chút cố gắng thì chắc chắn sẽ có lợi nhuận lớn hơn. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Hầu hết những người cố gắng làm điều này đều chỉ khiến cho lợi nhuận kém hơn cả mức trung bình.
Nhà đầu tư thụ động nên đầu tư vào danh mục có cả cổ phiếu và trái phiếu. Nhờ vậy có thể bao phủ toàn thị trường, từ đó thu được lợi nhuận từ những khu vực hoạt động tốt mà không phải dự đoán trước. Tuy không thể tập trung vào một phần lợi nhuận cao, nhưng cách này giúp các nhà đầu tư vừa có lợi nhuận vừa tránh được rủi ro.
Nhà đầu tư và đầu cơ
Không phải ai chơi chứng khoán cũng được gọi là nhà đầu tư. Một nhà đầu tư coi việc đầu tư cổ phiếu như một phần của công việc kinh doanh, và bản thân người nắm giữ cổ phiếu là chủ việc kinh doanh đó.
Trong khi đó, nhà đầu cơ chỉ xem đầu tư như một trò chơi kiếm ra tiền. Đối với nhà đầu cơ, giá trị của cổ phiếu được coi là giá người bán đưa ra tại thời điểm bán. Graham cho rằng đầu cơ hay đầu tư đều có thế mạnh riêng, nếu như mỗi người xác định được chắc chắn rằng mình có thể làm tốt ở bên nào hơn.
Đại Dương