Chứng khoán Bản Việt (VCI) chốt quyền trả cổ tức 2021 bằng cổ phiếu
CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC, HoSE - Mã: VCI) công bố ngày 18/8 đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 30%.
Theo đó, VCI sẽ phát hành 100,5 triệu cổ phiếu, qua đó vốn điều lệ tăng từ 3.350 tỷ đồng lên 4.355 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC kiểm toán năm 2021.
Được biết, ngày 29/12/2021, VCI đã tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền đợt 1 với tỷ lệ 12% (mỗi cổ phiếu nhận thêm 1.200 đồng). Tổng mức cổ tức năm 2021 tổng cộng là 42%. Mức cổ tức trong năm 2020 của doanh nghiệp này là 30% bằng tiền mặt, ngoài ra đơn vị này còn phát hành 166,5 triệu cổ phiếu để thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1.
Chứng khoán Bản Việt (VCI) chốt quyền trả cổ tức 2021 bằng cổ phiếu |
Trong một diễn biến khác, VCI vừa bán ra 200.000 cổ phiếu HDG để giảm sở hữu từ 6,03% về còn 5,94% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 30/5.
Trước đó, VCI vừa mua thêm 1.122.210 cổ phiếu HDG để nâng sở hữu từ 5,8% lên 6,35% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 8/2/2022. Chứng khoán Bản Việt cho biết thêm việc mua thêm cổ phiếu để thực hiện quyền của chứng quyền.
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, VCI đề ra mục tiêu doanh thu hoạt động 3.240 tỷ đồng, giảm 12,6% so với thực hiện 2021; lãi trước thuế 1.900 tỷ đồng, tăng 2,7%. Tỷ lệ cổ tức ủy quyền cho HĐQT quyết định, dự kiến 30%.
Qua nửa đầu năm, VCI báo cáo doanh thu hoạt động đạt 1.838 tỷ đồng, tăng 9%; lãi trước thuế 874 tỷ đồng và lãi sau thuế 717 tỷ đồng, cùng tương đương cùng kỳ năm trước. Như vậy, VCI thực hiện được 56% chỉ tiêu doanh thu hoạt động và 46% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCI chốt phiên ngày 4/8 ở mức giá 43.600 đồng/cp, phục hồi 51,4% tính từ phiên 20/6 nhưng vẫn thấp hơn 32% vùng giá tháng 3.
Diễn biến giá cổ phiếu VCI thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
VCI vay thành công 100 triệu USD từ các ngân hàng nước ngoài
Ngày 12/5/2022, VCI công bố ký thành công hợp đồng vay vốn với hạn mức 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng). Việc mở rộng các khoản vay từ nước ngoài với số vốn lớn và chi phí vốn cạnh tranh sẽ giúp VCI có thêm nguồn lực để đẩy mạnh các mảng kinh doanh.
Khoản vay hợp vốn của VCI từ nhóm các ngân hàng hàng nước ngoài được đứng đầu thu xếp bởi Mega International Commercial Bank (Megabank) thông qua chi nhánh Offshore Banking. Khoản vay có mức lãi suất ngắn hạn theo thị trường tiền tệ quốc tế.
Trước khi thu xếp thành công khoản vay hạn mức lần này, VCI cũng đã công bố ký thành công hợp đồng vay vốn với hạn mức 100 triệu USD (tương đương 2.300 tỷ đồng) và quyền chọn mở rộng lên tới 150 triệu USD (tương đương 3.450 tỷ đồng).
Khoản vay hợp vốn từ nhóm các ngân hàng hàng nước ngoài được thu xếp bởi Maybank Kim Eng Securities, cùng với Malayan Banking Berhad, chi nhánh Singapore - một trong các bên cho vay.
Các ngân hàng lớn cùng tham gia hợp vốn cho vay bao gồm First Commercial Bank, Hua Nan Commercial Bank, Taishin International Bank, Chang Hwa Commercial Bank, Taiwan Business Bank, Taiwan Cooperative Bank, KEB Hana Bank, Sunny Bank. Khoản vay có mức lãi suất ngắn hạn theo thị trường tiền tệ quốc tế và dự kiến được giải ngân thành 2 đợt.
Trước khi ký kết thành công khoản vay hạn mức 150 triệu USD, VCI cũng đã thu xếp thành công khoản vay hợp danh tín chấp 40 triệu USD từ nhóm các ngân hàng dẫn đầu bởi Ngân hàng Sinopac vào quý II/2020.
Sự thành công từ các thương vụ vay vốn trên minh chứng cho uy tín của VCI đối với các định chế lớn trên thị trường quốc tế, và cũng là tiền đề để VCI tiếp tục gặt hái những thương vụ hợp vốn trong tương lai.
Việc mở rộng các khoản vay nước ngoài với số vốn lớn và chi phí vốn cạnh tranh sẽ giúp VCI có thêm nguồn lực để đẩy mạnh các mảng kinh doanh của công ty.
Nguồn vốn vay trên sẽ được công ty chứng khoán phân bố vào các hoạt động của mảng dịch vụ môi giới chứng khoán và mảng dịch vụ hỗ trợ tài chính cho khách hàng, đặc biệt là hoạt động cho vay margin, với mức chi phí và khối lượng cạnh tranh.
Khánh Vân