Kido (KDC) dự chi 151 tỷ đồng tạm ứng cổ tức 2022
Kido (KDC) đã chia cổ tức 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%. Trước đó, Công ty chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7% cho năm 2020 và chia làm 2 đợt.
Tập đoàn Kido (HoSE - Mã chứng khoán: KDC) thông báo ngày 22/8 là ngày đăng ký cuối cùng lập danh sách cổ đông thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%, tương đương 600 đồng/cổ phiếu. Với số lượng cổ phiếu lưu hành là 251,6 triệu, công ty dự kiến thanh toán cho cổ đông gần 151 tỷ đồng.
Kido (KDC) dự chi 151 tỷ đồng tạm ứng cổ tức 2022 |
Vào tháng 4, KDC đã trả cổ tức cho năm 2021 bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%. Cổ tức năm 2020 là 7% bằng tiền mặt và chia làm 2 đợt.
Kido là đơn vị hoạt động trong ngành thực phẩm với vốn điều lệ gần 2.800 tỷ đồng. Hiện nay, công ty đang sở hữu hai thương hiệu kem Celano và Merino. Ở mảng dầu, công ty nắm thương hiệu Tường An, Vocarimex và một sổ sản phẩm mảng bánh.
Năm 2022, KDC xây dựng kế hoạch doanh thu 14.000 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2021 và lợi nhuận là 900 tỷ đồng, tăng 38%. Cơ sở để đặt mục tiêu trên phần lớn nhờ khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm.
Lãi quý 2 hơn 200 tỷ đồng
Mới đây, KDC vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 với doanh thu thuần đạt 6.352 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành dầu ăn chiếm 83% tỷ trọng doanh thu (5.272 tỷ đồng), tăng gần 29,9%. Ngành hàng thực phẩm chiếm tỷ trọng 17% và tăng trưởng 30,3%. Biên lãi gộp toàn ngành đạt 23%, cải thiện so với 19% cùng kỳ.
Trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế của KDC đạt 340 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm trước. Lãi trước thuế 427 tỷ đồng và tương ứng với 47,5% kế hoạch năm. Như vậy ước tính trong quý II, doanh thu thuần của KDC khoảng 3.402 tỷ đồng, lãi sau thuế 219 tỷ, lần lượt tăng 30% và tăng 1% so với quý II năm ngoái.
Về kết quả kinh doanh của các công ty con, 6 tháng đầu năm, CTCP Dầu Thực Vật Tường An ghi nhận 3.645 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 53% kế hoạch năm nhờ công ty tập trung kinh doanh các sản phẩm trung và cao cấp để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Lợi nhuận gộp đạt 213 tỷ đồng, giảm 16,6% do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Trừ đi các chi phí được tiết giảm, lợi nhuận trước thuế của Dầu Tường An đạt 149 tỷ đồng, tăng 40,4% và bằng 69% kế hoạch năm.
Với Tổng Công ty Công Nghiệp Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex), doanh thu thuần đạt 571 tỷ đồng, giảm 23%. Kết quả, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 81 tỷ đồng, giảm 32%.
Cũng liên quan đến Vocarimex, mới đây, HĐQT Công ty đã thông qua việc chia cổ tức năm 2021. Cụ thể, vào ngày 10/8 tới đây, Công ty sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 12%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.200 đồng. Thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 30/8/2022.
Hiện Vocarimex đang có vốn điều lệ 1.218 tỷ đồng, tương ứng tổng khối lượng chứng khoán đang niêm yết và lưu hành 121,8 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Tập đoàn Kido là cổ đông lớn nhất sở hữu 106,33 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 87,3%. Như vậy, trong đợt chia cổ tức này của Vocarimex, công ty mẹ - Tập đoàn KIDO sẽ thu về 127,6 tỷ đồng.
Cho 6 tháng cuối năm, KDC đề ra chiến lược tập khâu sản xuất, hoàn chỉnh công thức sản phẩm để trở lại trong mùa Trung thu 2022 và đẩy mạnh ngành hàng bánh với thương hiệu KIDO’s Bakery.
Với ngành dầu, KDC sẽ tăng cường sản xuất, mở rộng thị trường, thị phần, đồng thời nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm mới, tiến tới mục tiêu dẫn đầu trong ngành dầu ăn tại Việt Nam trong tương lai gần.
Song song đó, tập đoàn sẽ tăng tốc tiến độ hoàn thành nâng cấp nhà máy dầu Vinh nhằm sớm phục vụ nhu cầu tiêu dùng lớn tại thị trường miền Bắc trước Tết Nguyên Đán 2023. Dự kiến nhà máy sẽ hoàn thành việc nâng cấp công suất vào giữa tháng 11/2022 với công suất tăng hơn 4 lần. Ngoài ra, KDC sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm dầu ăn sang các nước trong khu vực, trước mắt là thị trường Campuchia, Lào.
Hiện tại, KDC đang nắm giữ 44,5% thị phần trong ngành kem tại Việt Nam (theo số liệu mới nhất từ Euromonitor), trong đó thương hiệu Merino chiếm 24,2% và thương hiệu Celano chiếm 19,2% thị phần. Do đó sắp tới tập đoàn sẽ tập trung mở rộng nhà phân phối, mở rộng thị phần, gia tăng khoảng cách với đối thủ để giữ vững vị trí dẫn đầu ngành kem tại Việt Nam.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu KDC đóng cửa ngày 3/8 đang ở mức 69.000 đồng, tăng 38% so với vùng đáy cuối tháng 5.
Diễn biến giá cổ phiếu KDC thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
KDC muốn bán lượng lớn cổ phiếu quỹ, ước tính thu về hơn 1.700 tỷ đồng
Cách đây không lâu, Tập đoàn Kido công bố quyết định HĐQT thông qua việc bán toàn bộ 28,1 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 10,5% tổng số lượng cổ phần đã phát hành. Mục tiêu bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
KDC sẽ thực hiện giao dịch sau khi được UBCKNN chấp thuận hồ sơ đăng ký. Phương thức giao dịch có thể khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận thông qua công ty chứng khoán.
Kido mang cổ phiếu quỹ ra bán trong bối cảnh giá cổ phiếu KDC có sự hồi phục tốt từ vùng 50.000 đồng/cp lên 63.500 đồng/cp, tăng 27% trong vòng nửa tháng và ghi nhận đỉnh trong lịch sử giao dịch. Tạm tính vùng này, KDC có thể thu về 1.784 tỷ đồng trong khi giá gốc ghi nhận tại BCTC hợp nhất quý I là 1.080 tỷ đồng.
KDC mua gần 51 triệu cổ phiếu quỹ vào giai đoạn 2014-2015 với chi phí bỏ ra khoảng 1.959 tỷ đồng. Vào cuối năm trước, KDC đưa gần 23 triệu đơn vị để thưởng cho cổ đông hiện hữu.
Trong một diễn biến khác, bà Vương Bửu Ngọc, em gái bà Vương Bửu Linh, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc KDC vừa thông báo đăng ký bán toàn bộ 25.740 cổ phiếu KDC đang sở hữu để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ ngày 10/5 đến 8/6/2022. Nếu giao dịch thành công bà Ngọc sẽ không còn sở hữu cổ phiếu nào của Tập đoàn KIDO.
Cùng chiều bán, Bà Vương Bửu Dinh, chị gái của Phó Tổng Giám đốc Kido Vương Bửu Linh đăng ký bán ra toàn bộ 116.358 cổ phiếu KDC từ ngày 16/5-14/6 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO được thành lập vào năm 1993 với vốn đầu tư 1.4 tỷ đồng, có tiền thân là Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến thực phẩm Kinh Đô. Công ty phân phối chủ yếu các mặt hàng thực phẩm tiêu dùng như dầu ăn, kem, bánh kẹo, thực phẩm ăn vặt và nước giải khát. KIDO chính thức hoạt động là CTCP từ năm 2002 với vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Các điểm bán ngành hàng khô và ngành hàng lạnh của KIDO có số lượng tương ứng là 450,000 và 120,000. KDC được niêm yết lần đầu trên sàn HOSE vào ngày 12/12/2005. |
Khánh Vân