Chứng khoán Phú Hưng (PHS) định giá hợp lý cho cổ phiếu LPB ở mức 22.200 đồng/cổ phiếu
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư và P/B, PHS xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu LPB là 22.200 đồng/cổ phiếu, từ đó khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.
PHS định giá hợp lý cho cổ phiếu LPB ở mức 22.200 đồng/cổ phiếu |
Năm 2022, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank, HoSE: LPB) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 4.800 tỷ đồng, tăng 32% so với thực hiện năm 2021. Tín dụng thị trường 1 mục tiêu tăng 18% so với cùng kỳ, trong khi huy động thị trường 1 tăng 18,5%; tổng tài sản tăng 16.2% cùng kỳ, đạt 336 tỷ đồng; biên lãi ròng (NIM) mục tiêu đạt 3,6%.
Năm nay, LPB sẽ phối hợp với IBM (tập đoàn về công nghệ máy tính đa quốc gia) để thực hiện dự án kiến trúc doanh nghiệp số, nhằm hiện đại hóa ngân hàng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Động lực tăng trưởng mảng bán lẻ đến từ lợi thế mạng lưới tại các vùng nông thôn, tập trung vào các khoản cho vay an toàn.
Về bancassurance, LPB đã qua nhiều vòng đàm phán với đối tác, nhiều khả năng sẽ chốt vào tháng 6/2022. Hành trình 5 năm hợp tác với Daichi Life là quãng thời gian chuẩn bị cần thiết.
Hết quý I, LPB ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.421 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tín dụng giảm 0,6% so với thời điểm đầu năm. Ban lãnh đạo cho biết, mỗi tháng tín dụng bán lẻ tăng 4.000 tỷ đồng nhưng tín dụng quý I vẫn giảm là do ngân hàng giảm dư nợ một số dự án bất động sản lớn.
Dù vậy, ban lãnh đạo cho rằng LPB còn nhiều dư địa cho tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là mảng bán lẻ. NIM vào quý I cải thiện 32 điểm cơ bản lên 3,89%. Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn trong năm 2022, dự kiến phát hành thêm 621,4 triệu cổ phiếu, nhằm nâng vốn điều lệ lên 21.249,8 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến tăng thêm sẽ được mở rộng tín dụng và tăng quy mô vốn hoạt động.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhìn nhận, nhờ hệ thống mạng lưới rộng lớn, chủ yếu tại các vùng nông thôn, LPB có thế mạnh phát triển tín dụng bán lẻ tại các vùng sâu vùng xa, nơi người dân ít có cơ hội tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Hơn nữa, các dự án chuyển đổi số toàn diện mọi hoạt động của LPB sẽ giúp ngân hàng gia tăng thị phần bán lẻ tại nông thôn, xây dựng hệ sinh thái, phát triển tài chính vi mô.
Kết thúc quý I, tín dụng của LPB đi ngang so với cùng kỳ do giảm dư nợ cho vay bất động sản. Qua đó, PHS ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2022 của LPB sẽ đạt 18,9% cùng kỳ.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng quý II được Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) công bố cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay - huy động được các tổ chức tín dụng kỳ vọng tiếp tục duy trì không đổi hoặc chỉ tăng rất nhẹ 0,03 - 0,06 điểm phần trăm trong quý II và 0,13 - 0,18 điểm phần trăm trong cả năm 2022.
Nhờ tỷ lệ nguồn vốn cấp 2 lớn trong cơ cấu huy động vốn, PHS ước tính NIM 2022 của LPB sẽ đi ngang ở mức 3,58%. Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư và P/B, PHS xác định giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu LPB là 22.200 đồng/cổ phiếu, từ đó khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.
Linh Đan