Thúc đẩy chuyển đổi nghề, phát triển bền vững ngành thủy sản
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi nghề, ngành thủy sản đã phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế.
Thời gian qua, ngành thủy sản đã có nhiều nỗ lực thực hiện mô hình chuyển đổi sinh kế tại các cộng đồng ngư dân ven biển, theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Ảnh minh họa: Ngọc ViênNgày 13.12, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức Hội nghị Triển khai kế hoạch "Giảm khai thác, tăng cường quản lý tàu cá và thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế cho ngư dân" nhằm đánh giá kết quả triển khai kế hoạch giảm khai thác, tăng cường quản lý tàu cá và thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế cho ngư dân.
Theo Cục Thủy sản, sau hơn 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản và gần 2 năm triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi nghề, chính quyền các cấp, các thành phần kinh tế đã triển khai xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược, Đề án chuyển đổi nghề và thực hiện một số mô hình chuyển đổi sinh kế tại các cộng đồng ngư dân ven biển theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng và đẩy mạnh bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Một số mô hình chuyển đổi nghề đã phát huy hiệu quả tích cực, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng ngư dân và các thành phần kinh tế, xã hội khác tại các địa phương như: Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định...
Về nuôi trồng thủy sản trên biển, đến nay, nuôi biển đã bước đầu thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi ngành hàng. Nhiều công nghệ mới, hiện đại được ứng dụng trong nuôi biển, như: công nghệ nuôi tuần hoàn khép kín, kiểm soát môi trường; công nghệ nuôi lồng công nghiệp…
Đối với việc chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân, các địa phương đều xác định nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ là những nghề xâm hại nguồn lợi và hệ sinh thái, đã xây dựng tiêu chí đặc thù nhằm hạn chế phát triển, đặc biệt là nghề lưới kéo. Do đó, các tỉnh, thành phố ven biển đã tổ chức triển khai thực hiện tốt việc cắt giảm những tàu cá làm nghề lưới kéo có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, tàu cá có tuổi thọ từ 15 năm trở lên...
Việc xác định loại nghề hạn chế phát triển và thực hiện cắt giảm tàu cá làm nghề lưới kéo, lưới rê thu ngừ đã góp phần điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác hải sản theo hướng giảm dần các nghề khai thác hải sản ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc khai thác và nuôi trồng thủy sản vẫn còn nhiều thách thức và tồn đọng. "Việc giải quyết các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu trong hoạt động thủy sản vẫn phải đối mặt với không ít hạn chế cũng như khó khăn. Bên cạnh đó là những yêu sách chủ quyền trên biển Đông, gia tăng rào cản kỹ thuật (thẻ vàng EC) hay phát triển không bền vững.
Xung đột ngư trường; nguồn lực cộng đồng chưa được phát huy; nguồn lợi thủy sản suy giảm; hạ tầng dịch vụ hậu nghề cá yếu kém; sản xuất manh mún, tự phát... cũng đang là thách thức của ngành thủy sản" - Phó Cục trưởng Cục Thủy sản Vũ Duyên Hải nhận định.
Theo Phó Cục trưởng, để thúc đẩy hiệu quả khai thác, nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới, cần cắt giảm đội tàu bằng việc đánh giá nguồn lợi thủy sản, xác định cơ cấu đội tàu phù hợp nguồn lợi từng vùng biển, kiểm kê và phân loại đội tàu hiện có, giám sát chặt chẽ sản lượng bốc dỡ qua cảng...
Về tăng nuôi biển, cần phát triển hạ tầng đồng bộ, đào tạo lao động lành nghề, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm và thị trường nuôi biển. Đồng thời, cần tăng cường bảo tồn biển như rà soát, bổ sung các quy định bảo vệ nguồn lợi: hạn ngạch sản lượng, loài cấm, nghề cấm, vùng cấm...
"Đặc biệt, đối với chuyển đổi sinh kế cho ngư dân cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, xác định nghề nghiệp phù hợp điều kiện địa phương. Ngoài ra, cần đào tạo và tập huấn để hỗ trợ chuyển nghề, triển khai các mô hình và dự án chuyển đổi ngư dân..." - Phó Cục trưởng Cục Thủy sản Vũ Duyên Hải nhấn mạnh.
TS. Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) - đánh giá, việc áp dụng mô hình hợp tác xã sẽ giúp thúc đẩy nuôi trồng, quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, giải quyết việc làm cho ngư dân.
"Mô hình hợp tác xã là cùng nhau hỗ trợ nhau phát triển, từ đó có thể cung cấp đa dạng dịch vụ như sản xuất, đời sống, thương mại và dịch vụ. Trong đó, sản xuất bao gồm quản lý, bảo vệ, khai thác, chế biến và kinh doanh thủy sản; đời sống bao gồm nhu yếu phẩm; thương mại - dịch vụ như đại lý vé tàu..." - TS Trần Minh Hải nêu quan điểm.