Ngân hàng đua tăng lãi suất tiền gửi, cao nhất lên tới trên 7,5%/năm
Giữa tháng 5, một loạt ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, mức cao nhất ghi nhận là 7,55%/năm ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Ngân hàng đua tăng lãi suất tiền gửi, cao nhất lên tới trên 7,5%/năm (Ảnh minh họa) |
Theo biểu lãi suất mới công bố từ ngày 14/5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã tăng 0,1-0,3 điểm % lãi suất tiền gửi khách hàng cá nhân ở hầu hết kỳ hạn so với trước đó, áp dụng với cả hình thức gửi tại quầy và online.
Cụ thể, đối với kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất tiền gửi tăng thêm 0,1 điểm % so với trước đó lên mức 6-6,5%/năm. Với các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, SCB duy trì lãi suất tối đa 4%/năm.
SCB cũng tăng mạnh 0,3 điểm % lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng so với biểu lãi suất cũ, từ 7%/năm lên 7,3%/năm, áp dụng với cả hình thức gửi tại quầy và online. Đây là mức lãi suất cao nhất trong hệ thống đối với tiền gửi tại quầy.
Đáng chú ý, lãi suất tiên gửi cao nhất mà khách hàng có thể nhận được tại SCB là 7,55%/năm (tăng 0,2 điểm %) áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên khi gửi online, không yêu cầu giá trị gửi tối thiểu. Với tiền gửi online tại các kỳ hạn khác, lãi suất tiền gửi cao hơn khoảng 0,3-0,35 điểm % so với lãi suất thông thường.
Gần đây, SHB cũng ra thông báo áp dụng chương trình cộng 1,1 điểm % lãi suất với khách hàng gửi tiết kiệm đối với cả hai hình thức gửi tại quầy và online.
Theo đó, khi tham gia chương trình, khách hàng sẽ được cộng thêm lãi suất ưu đãi lên đến 1%/năm vào mức lãi suất hiện hành của SHB cho sổ tiết kiệm/hợp đồng tiền gửi. Đặc biệt, bên cạnh mức cộng thưởng hấp dẫn này, khi gửi tiền tại Quầy giao dịch SHB, khách hàng mới còn được cộng thêm 0.1%/năm cho các món tiền gửi.
Trước đó, SHB đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tại quầy khoảng 0,2-0,4 điểm % tùy theo từng kỳ hạn. Tại kỳ hạn 36 tháng, lãi suất gửi tại quầy tăng 0,4 điểm % lên 6,5-6,6%/năm. Tương tự với kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, lãi suất huy động tăng 0,4 điểm % từ 5,7-5,8%/năm lên 6,1-6,2%/năm.
Với hình thức gửi online, lãi suất cũng tăng mạnh từ 0,3-0,35% so với biểu lãi suất cũ. Lãi suất cao nhất hiện nay tại SHB là 6,7%/năm tại kỳ hạn 36 tháng, tương đương tăng 0,35%/năm so với trước đó.
Ngoài ra, vào đầu tháng 5, biểu lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh tăng tại hầu hết kỳ hạn.
Tại ACB, lãi suất tiết kiệm tăng 0,1 điểm % tại nhiều kỳ hạn dưới 12 tháng đối với các gói tiết kiệm truyền thống và tiết kiệm online. Hay Eximbank, lãi suất tiền gửi tiết kiệm online áp dụng cho khách hàng gửi từ 15 tháng trở lên cũng tăng khoảng 0,2 điểm % so với trước, cao nhất tăng lên 6,5%/năm.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng Big 4 (gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) vẫn duy trì lãi suất huy động ở mức thấp, cao nhất 4%/năm đối với kỳ hạn 6 tháng, 5,5%/năm với kỳ hạn 12 tháng, và 5,3-5,5%/năm với kỳ hạn 24 tháng.
Báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của CTCP Chứng khoán SSI cho biết biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân tiếp tục được điều chỉnh tăng nhẹ trong những ngày đầu tháng 5 ở một số ngân hàng vừa và nhỏ.
Trong khi đó lãi suất huy động dành cho khách hàng tổ chức cũng được điều chỉnh tăng khoảng 0,2 điểm % ở nhóm NHTM cổ phần lớn.
Trên thực tế, ngoại trừ nhóm NHTM cổ phần Nhà nước chưa ghi nhận sự điều chỉnh, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3-0,5 điểm % so với cuối năm 2021 ở hầu hết các NHTM cổ phần nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm.
Theo SSI, áp lực tăng lãi suất huy động còn được thể hiện qua chênh lệch giữa tín dụng – huy động vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm nay.
Thu Thủy