Nhiều trợ lực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Những yếu tố như tăng trưởng tín dụng khởi sắc, vĩ mô thuận lợi, xếp hạng tín nhiệm trái phiếu được quy định chặt chẽ hơn… là những trợ lực, mở cơ hội mới cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Những trợ lực cho trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lượng trái phiếu đáo hạn trong vòng 1 năm tới lên đến hàng trăm nghìn tỉ đồng, phần lớn trong đó là trái phiếu bất động sản với hàng chục nghìn tỉ trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc. Tuy nhiên, vẫn có những cơ sở để kỳ vọng thị trường trái phiếu sẽ chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới.
Theo đánh giá của FiinRatings, những yếu tố như tăng trưởng tín dụng khởi sắc, vĩ mô thuận lợi, xếp hạng tín nhiệm trái phiếu được quy định chặt chẽ hơn… là những trợ lực giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp tích cực hơn.
Tăng trưởng tín dụng kỳ vọng khởi sắc trong những tháng cuối năm. Dư nợ tín dụng cuối tháng 9.2024 tăng 8,53% so với đầu năm, tín dụng trên đà hồi phục chủ yếu nhờ phân khúc khách hàng doanh nghiệp.
Về vĩ mô, sau giai đoạn tăng trưởng chậm năm 2023, nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng và mặt bằng lãi suất thấp cũng như thuận lợi của môi trường kinh tế thế giới, các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trở lại cũng là cơ sở để thị trường trái phiếu sôi động hơn. Các luật mới như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thêm về mặt chính sách cho các doanh nghiệp.
Trên thị trường, xu hướng huy động vốn thông qua trái phiếu bền vững, trái phiếu xanh ngày càng rõ rệt hơn. Việc tìm kiếm nguồn tài chính để chuyển đổi là ưu tiên hàng đầu của các tổ chức phát hành khi chính sách chính phủ thúc đẩy dòng vốn vào năng lượng tái tạo, hạt nhân, nguyên liệu phát thải thấp và thu hồi carbon. Do vậy, thị trường trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững là xu thế tất yếu của nền kinh tế.
Cơ hội mới cho thị trường
Cuối tháng 10 vừa qua, tại kỳ họp Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (dự án 1 luật sửa 7 luật).
Đáng chú ý, dự thảo trình Quốc hội đã bỏ đề xuất nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân không được mua trái phiếu riêng lẻ. Thay vào đó là quy định nhà đầu tư cá nhân được mua bán, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ khi doanh nghiệp phát hành có xếp hạng tín nhiệm, tài sản đảm bảo và bảo lãnh của ngân hàng. Dự thảo luật cũng yêu cầu cá nhân đầu tư chuyên nghiệp cần đảm bảo điều kiện về thời gian tham gia đầu tư, tần suất giao dịch. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân nước ngoài cũng được coi là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Các chuyên gia đánh giá, những quy định pháp lý mới đã mở ra cơ hội mới cho thị trường TPDN.
Về xếp hạng tín nhiệm trái phiếu, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế - cho biết, những quy định chặt chẽ trong phát hành trái phiếu và xếp hạng tín nhiệm trái phiếu là cơ hội để thị trường TPDN hồi phục và vấn đề quan trọng nhất là giúp các nhà đầu tư phải lấy lại niềm tin đối với kênh đầu tư này.
Ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings - cho rằng: “Quy định bổ sung nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài là chính sách hợp lý, nhằm khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường vốn Việt Nam. Bởi tiềm năng mở rộng thị trường từ nhóm đầu tư nước ngoài là rất lớn”.
“Nhà đầu tư nước ngoài thường có kinh nghiệm đầu tư, trình độ, năng lực tài chính và khả năng chấp nhận rủi ro cao. Các quỹ đầu tư nước ngoài có nguồn lực và quy mô lớn hơn rất nhiều so với tổ chức trong nước. Do đó, với tiềm năng thị trường vốn nợ Việt Nam còn rất lớn, việc khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường là cần thiết” - Tổng Giám đốc FiinRatings nhận định.