Thưởng Tết không trọn vẹn vì thuế thu nhập cá nhân
Thưởng Tết là niềm vui lớn của người lao động, nhưng thuế thu nhập cá nhân khiến khoản thưởng thực nhận không như mong đợi, thêm áp lực chi tiêu cuối năm.
Thưởng Tết - niềm vui không trọn vẹn
Giữa tháng Chạp (Âm lịch), chị Mỹ Hoa (28 tuổi), một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, háo hức khi nhận thông báo thưởng Tết 30 triệu đồng. Chị dự tính khoản tiền này sẽ giúp gia đình trang trải chi tiêu dịp cuối năm, phần nào giảm áp lực tài chính. Nhưng niềm vui ấy nhanh chóng vụt tắt khi chị nhận bảng lương chi tiết: Sau khi khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN), chị chỉ còn thực nhận 26 triệu đồng.
“Hơn 4 triệu đồng bị trừ là một khoản lớn. Với thu nhập của tôi, Tết đã tốn kém nhiều. Số tiền này tôi dự định để sắm sửa đồ Tết cho gia đình, giờ phải cân nhắc lại" - chị Hoa chia sẻ.
Gia đình chị Hoa vừa mua một căn hộ chung cư cuối năm 2024. Số tiền lãi và gốc phải trả ngân hàng mỗi tháng là 15 triệu đồng, chiếm phần lớn thu nhập của hai vợ chồng.
“Tết năm nay, chồng tôi đã nói sẽ không dám mua sắm nhiều vì phải trả góp nhà. Tiền thưởng Tết tưởng như cứu cánh, nhưng giờ chi tiêu hết thì chẳng còn gì để tiết kiệm".
Niềm vui hay gánh nặng?
Tính toán sơ bộ, số tiền 26 triệu đồng thực nhận của chị Hoa chỉ đủ cho một cái Tết “giản dị”. Chi phí quà cáp biếu bố mẹ hai bên mất khoảng 10 triệu đồng. Sắm sửa quần áo mới cho con nhỏ, sắm cây đào trưng Tết cũng hết thêm 5 triệu. Số còn lại, gia đình dự kiến dùng để mua thực phẩm và một vài món đồ cần thiết.
Tuy nhiên, chị Hoa cho biết, mọi khoản chi tiêu đều phải dè chừng vì chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao. Một số mặt hàng thiết yếu đã tăng giá mạnh so với năm ngoái. Chị Hoa nêu ví dụ: Giá thịt lợn dao động 150.000 - 180.000 đồng/kg; rau xanh, hoa quả tăng cũng tăng; vé xe khách dịp Tết về chồng cũng tăng 15-20% so với ngày thường.
“Cầm 26 triệu mà cứ thấy như nước chảy. Sau khi chi xong Tết, tiền lương tháng cũng vừa đủ trả góp nhà và chi tiêu tối thiểu, chẳng còn gì để tiết kiệm" - chị Hoa bộc bạch.
Những bất cập trong chính sách thuế
Theo quy định hiện hành, tiền thưởng Tết được tính gộp vào thu nhập chịu thuế và áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần. Điều này khiến người lao động có thu nhập cao hơn một chút đã phải chịu thuế suất cao hơn, từ 10% đến 35%.
Dù thuế TNCN là nghĩa vụ pháp lý, nhiều người cho rằng cách tính hiện nay chưa hợp lý. Ngưỡng chịu thuế lũy tiến tối thiểu 11 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người phụ thuộc đã không còn phù hợp với thực tế.
“Chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn đã tăng gấp đôi, gấp ba so với thời điểm quy định này được ban hành. Người lao động thu nhập trung bình vẫn bị đánh thuế như thu nhập cao" - chị Hoa nhận xét.
TS Nguyễn Ngọc Tú - chuyên gia về thuế - cho rằng chính sách thuế TNCN hiện nay còn nhiều bất cập. Ông nhấn mạnh: “Ngưỡng giảm trừ gia cảnh và biểu thuế lũy tiến đã lỗi thời, không còn phản ánh đúng mức sống hiện tại của người lao động".
PGS.TS Phạm Thế Anh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân - cũng cho rằng, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh, rút ngắn thời gian điều chỉnh, thiết kế lại biểu thuế cho phù hợp chưa chắc đã làm ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước. Khi người lao động được giảm thuế, họ sẽ tăng năng suất lao động, gia tăng vốn đầu tư vào con người, tuân thủ pháp luật về thuế, điều này có thể sẽ giúp cho ngân sách nhà nước tăng.