Án phạt nặng làm chao đảo ngân hàng nước ngoài lớn nhất Nga
Ngân hàng Raiffeisen Bank International của Áo - ngân hàng nước ngoài lớn nhất ở Nga - vừa bị tòa án ở Nga tuyên phạt hơn 2 tỉ euro.
Ngân hàng phương Tây lớn nhất ở Nga Raiffeisen Bank International đã dành ra 840 triệu euro để trang trải phí bị phạt ở Nga, Reuters đưa tin.
Quyết định này ảnh hưởng tới kết quả tài chính của ngân hàng Raiffeisen Bank International trong năm ngoái. Doanh thu của Raiffeisen Bank International trong năm ngoái vốn đã chịu ảnh hưởng bởi việc tổn thất 824 triệu euro khi bán ngân hàng tại Belarus. Lợi nhuận hợp nhất hàng năm của Raiffeisen trong năm 2024 đã giảm hơn 50% xuống còn 1,15 tỉ euro.
Việc tổn thất gần 1,7 tỉ euro nêu bật những rủi ro trong hoạt động kinh doanh của Raffeisen với Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ - những thị trường vốn thúc đẩy tăng trưởng của Raffeisen từ trước tới nay.
Tháng trước, một tòa án ở Nga ra phán quyết yêu cầu Raiffeisen (RBI) phải bồi thường hơn 2 tỉ euro.
Vụ việc được xem là một trong những phán quyết pháp lý có tầm ảnh hưởng lớn nhất chống lại một công ty phương Tây đang hoạt động tại Nga, là một trong những khoản bồi thường thiệt hại lớn nhất cho tới nay.
Dù Raiffeisen đã biết về vụ việc này vào năm ngoái, nhưng các điều khoản giải quyết hậu quả mới chỉ được công bố ngày 4.2.
Tranh chấp pháp lý xảy ra sau khi Raiffeisen không đạt được thỏa thuận nhằm giải phóng một số khoản tiền bị đóng băng trị giá hàng tỉ USD ở Nga.
Trong vụ việc này, công ty đầu tư Nga Rasperia khiếu nại công ty xây dựng Strabag, các cổ đông người Áo của Strabag và chi nhánh Raiffeisen tại Nga.
Strabag có trụ sở tại Vienna, Áo và có liên hệ với doanh nhân người Nga Oleg Deripaska.
Được biết, Raiffeisen tìm cách mua cổ phần của Rasperia tại Strabag.
Trong khi đó, Mỹ xác định Rasperia thuộc nhóm các công ty Nga do ông Oleg Deripaska kiểm soát và áp đặt lệnh trừng phạt đối với một số cá nhân có liên quan.
Về phần mình, ông Deripaska luôn khẳng định bản thân không có mối liên hệ nào với công ty đang có tranh chấp với Raiffeisen.
Một nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters, Raiffeisen có khoảng 6 tỉ euro (6,29 tỉ USD) ở Nga. Đây là nguồn thu từ các khoản thanh toán quốc tế và từ hàng tỉ euro tiền gửi của người Nga.
Gần 3 năm sau khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra, ngân hàng Raiffeisen vẫn tích cực hoạt động tại Nga. Điều này xuất phát từ vai trò lâu đời của Vienna là trung tâm giao dịch tài chính của Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Vị thế này cũng đưa Raiffeisen và Áo lên tuyến đầu trong nỗ lực toàn cầu của Mỹ nhằm cô lập Nga bằng cách củng cố lệnh trừng phạt ngành ngân hàng và ngăn chặn khả năng tiếp cận hàng hóa phương Tây sau khi xung đột ở Ukraina nổ ra.
Theo Reuters, Raiffeisen - bao gồm rất nhiều đơn vị trực thuộc, với 44.000 nhân viên, có hơn 18 triệu khách hàng trải rộng khắp từ Vienna đến Mátxcơva - đã trở thành mỏ neo tài chính cho Áo và phần lớn Đông Âu.
Raiffeisen đã nhiều lần tuyên bố muốn tách riêng hoạt động kinh doanh tại Nga, nhưng gần 3 năm sau xung đột ở Ukraina, tình hình vẫn không có nhiều thay đổi.