Chuyên gia nói gì khi Ngân hàng trung ương Nga giảm mạnh lãi suất?
Việc Ngân hàng trung ương Nga cắt giảm lãi suất đi ngược xu hướng thế giới bởi ngân hàng trung ương nhiều nước đang liên tục tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát.
Ngày 22/7, Ngân hàng Trung ương Nga đã điều chỉnh lãi suất xuống dưới mức trước khi xảy ra xung đột chính trị với Ukraine.
Cụ thể, các nhà hoạch định chính sách đã hạ lãi suất từ mức 9,5% xuống 8% vào thứ sáu vừa qua và dự tính sẽ tiếp tục cắt giảm trong nửa cuối năm 2022. Đây cũng là lần cắt giảm thứ 5 liên tiếp lớn hơn dự đoán của tất cả các nhà kinh tế.
Đồng rúp tiếp tục giảm mạnh tới mức 2,6% so với đồng đô la sau thông báo này. Tại Moscow, Thống đốc Elvira Nabiullina cho biết sự giảm giá trên diện rộng và sự kỳ vọng về lạm phát suy giảm là yếu tố thúc đẩy quyết định trên.
Ngân hàng Trung ương Nga tại Moskva |
Theo bà Elvira Nabiullina “Dữ liệu sắp tới chỉ ra rằng suy thoái kinh tế sẽ còn kéo dài nhưng có thể bớt trầm trọng hơn. Theo đó, ngân hàng trung ương đã chọn phương án giảm mạnh lãi suất trong số 3 phương án nới lỏng chính sách tiền tệ được xem xét trước đó."
Chu kỳ nới lỏng bắt đầu vào tháng 4 tranh thủ lúc lạm phát chậm lại sau khi đồng rúp tăng nhanh và nền kinh tế hạ nhiệt mạnh. Mặc dù các ngân hàng Trung ương từ châu Âu đến Nam Phi đang thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng sự cô lập của Nga với các thị trường toàn cầu đã giúp nước này không bị thu hẹp chênh lệch tỷ giá.
Dmitry Polevoy, nhà kinh tế học tại Locko-Invest, cho biết: “Ngân hàng trung ương đã quyết định chủ động điều chỉnh lãi suất ở một mức độ mà không ai ngờ tới". Bây giờ "Hãy tạm nghỉ, theo dõi các xu hướng tiếp theo."
Từ những động thái này, có thể thấy nền kinh tế dường như đang trên đà suy thoái ở cấp độ thấp hơn nhiều so với những lo ngại ban đầu. Cùng với các chính sách kích thích tài khóa, sản lượng dầu tăng đã làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với cuộc chiến của Điện Kremlin ở Ukraine.
Lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước đồng minh đã áp đặt khiến hàng hóa nhập khẩu vào Nga đồng loạt giảm, góp phần dẫn đến thặng dư kỷ lục trong tài khoản vãng lai. Tình trạng mất cân bằng thương mại ngày càng trầm trọng, việc giảm lãi suất có thể mang lại một số giải tỏa cho người tiêu dùng và giúp phục hồi nhu cầu trong nước.
Theo chuyên gia kinh tế học Bloomberg, đồng rúp bền vững, kỳ vọng lạm phát và việc cho vay ngân hàng giảm có thể đã dẫn đến quyết định này. Ngân hàng Trung ương có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống 7,5% vào cuối năm.
Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã công bố các dự báo mới vào thứ sáu vừa qua, cho thấy họ dự kiến nền kinh tế sẽ thu hẹp 4% -6% trong năm nay, trong khi dự đoán trước đó là giảm 8% -10%.
Bên cạnh đó, có nhiều dự báo đáng chú ý, Ngân hàng Trung ương đã nâng dự báo thặng dư tài khoản vãng lai trong năm nay lên mức kỷ lục 243 tỷ đô la từ mức 145 tỷ đô la mà họ dự kiến vào mùa xuân mờ mức xuất khẩu cao hơn và lượng nhập khẩu thấp hơn.
Theo dự đoán, mức xuất khẩu của Nga sẽ đạt 593 tỷ đô la vào năm 2022, con số cao nhất trong lịch sử hiện đại của Nga.
Ngân hàng Trung ương Nga cũng cải thiện triển vọng lạm phát và dự đoán tăng trưởng giá cả cuối năm sẽ ở mức 12% -15%; trong khi dự đoán trước đó là 14% -17%
Lãi suất trung bình sẽ rơi vào khoảng 10,5% -10,8% trong năm nay và từ ngày 25/7 cho đến cuối năm sẽ duy trì ở mức 7,4% -8%
Tăng trưởng giá hàng năm giảm xuống còn 15,4% vào ngày 15/7, như vậy giảm đáng kể so với mức gần 18% trong tháng 4/2022. Kỳ vọng lạm phát trong một năm tới cũng đã giảm xuống mức được thấy lần cuối vào tháng 3/2021.
Sofya Donets, nhà kinh tế học tại Renaissance Capital nói rằng: “Đây quả là một sự kiện đáng kinh ngạc. Việc nới lỏng nhiều hơn so với dự báo được hỗ trợ bởi kỳ vọng lạm phát thấp hơn trong tháng 7 - dữ liệu mà thị trường không thể thấy trước tuần im lặng."
Anh Hà (tổng hợp)