Từ chợ bản đến chuỗi siêu thị: Hành trình vươn xa của sản phẩm vùng dân tộc Bắc Giang
Từ việc đầu tư mạng lưới chợ dân sinh đến hỗ trợ quảng bá sản phẩm địa phương, Bắc Giang đang từng bước tạo đòn bẩy cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chợ nông thôn – nền tảng phát triển thị trường vùng cao
Xác định hệ thống phân phối là giải pháp vô cùng quan trọng trong tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá địa phương, đặc biệt là hàng hoá khu vực đặc thù như vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, tỉnh Bắc Giang luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho hệ thống phân phối địa phương. Báo cáo mới nhất của Sở Công Thương Bắc Giang cho thấy, trong giai đoạn 2021–2025, Bắc Giang đã triển khai đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 09 chợ tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, với tổng kinh phí 21,169 tỷ đồng, bao gồm 17,22 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia và gần 4 tỷ đồng vốn đối ứng địa phương.
Chợ Bắc Giang là nơi kinh doanh buôn bán nhiều sản phẩm địa phương (Ảnh: Nguyễn Thị Minh) |
Trong đó, 03 chợ được đầu tư xây mới là chợ Vân Sơn (xã Vân Sơn, huyện Sơn Động), chợ Quế Sơn (xã Đại Sơn, huyện Sơn Động) và chợ Xuân Lương (xã Xuân Lương, huyện Yên Thế). Đồng thời, 06 chợ được cải tạo, nâng cấp gồm: Chợ Dương Hưu, Đồng Đỉnh, Gàng, Canh Nậu, Cấm Sơn và Phú Nhuận.
Đây là những chợ đóng vai trò then chốt trong giao thương, phân phối sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm địa phương do đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Sán Dìu… trực tiếp sản xuất. Việc hoàn thiện hạ tầng chợ giúp hàng hóa lưu thông thuận tiện hơn, nâng cao hiệu quả trao đổi hàng hóa ngay tại địa phương.
Song hành với đầu tư hạ tầng, Bắc Giang cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Hằng năm, tỉnh tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tại các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm.
Từ nguồn kinh phí khuyến công, nhiều cơ sở chế biến nông – lâm sản được hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tổ chức trình diễn kỹ thuật. Bên cạnh đó, tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp với từng giai đoạn thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ, hội nghị, hội thảo toàn quốc.
Vải thiều được bán ở chuỗi siêu thị GO Bắc Giang (Ảnh: Sỹ Quyết) |
Nhiều sản phẩm đặc sản vùng đồng bào dân tộc như vải thiều, mỳ Chũ, cam bưởi, na Lục Nam, trà hoa vàng, rượu Kiên Thành, mật ong… đã dần chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh, vươn tới các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai…
Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đơn cử, là xã miền núi duy nhất của huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang với 56% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của người dân xã Hương Sơn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Khai thác lợi thế về địa hình, vài năm gần đây, người dân mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dứa và chăn nuôi gà thả đồi.
Đến nay, toàn xã có 100 hộ trồng dứa với khoảng 150ha, gần hai chục hộ chăn nuôi gà với quy mô 6-10 nghìn con/lứa; các hộ này đều có thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.
Để khai thác thế mạnh này, mở rộng diện tích trồng dứa và nuôi gà, tháng 7/2021, UBND xã định hướng, hỗ trợ các hộ thành lập HTX Dứa sạch Hương Sơn và HTX Gà núi Hương Sơn. Tham gia HTX, các thành viên (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) được hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, được kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó đầu ra của toàn bộ sản phẩm thuận lợi, giá bán cao hơn so với thị trường.
Để sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi có thể đứng vững trên thị trường, tỉnh Bắc Giang chú trọng xây dựng thương hiệu và gia tăng giá trị sản phẩm. Các hoạt động thiết kế mới hoặc nâng cấp bao bì, tem truy xuất nguồn gốc được đẩy mạnh, góp phần tăng tính cạnh tranh và uy tín.
Đến nay, toàn tỉnh có nhiều sản phẩm, đặc biệt là nông sản có chất lượng. Hầu hết sản phẩm của Bắc Giang đều được đầu tư đầy đủ về bao bì, nhãn mác, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, giúp mở rộng cơ hội tiêu thụ và củng cố thương hiệu địa phương. Đây là yếu tố quan trọng trong chiến lược xây dựng chuỗi giá trị nông sản và tăng thu nhập cho người dân.
![]() |
Hệ thống phân phối giúp sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Bắc Giang rộng mở đầu ra (Ảnh: Moit) |
Là một đơn vị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vải thiều, HTX Sản xuất và Kinh doanh Dịch vụ Tổng hợp Hồng Xuân (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) hiện có sản phẩm nổi bật là vải thiều Lục Ngạn đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia. Mùa vụ 2024, HTX đã thu mua và tiêu thụ hơn 700 tấn vải thiều, trong đó khoảng 430 tấn được xuất khẩu sang Trung Quốc và châu Âu. Bên cạnh việc nỗ lực thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đại diện HTX cho biết: "Chúng tôi chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Đồng bộ hạ tầng - bền vững đầu ra
Tỉnh Bắc Giang hiện có 132 chợ, trong đó 37 chợ nằm trên địa bàn 73 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, phần lớn các chợ này hình thành từ lâu, cơ sở vật chất đã xuống cấp, chưa đáp ứng yêu cầu giao thương hiện đại.
Giai đoạn 2026 - 2030, Bắc Giang đề xuất xây dựng mới 03 chợ và cải tạo, nâng cấp 10 chợ tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tổng mức đầu tư khoảng 43,7 tỷ đồng. Các chợ như: Thanh Sơn (Tây Yên Tử, Sơn Động), Tam Tiến (Yên Thế), Mai Sưu (Lục Nam), Hữu Sản, Đồng Hưu, Đông Sơn, Canh Nậu, Gàng, Đồng Đỉnh, Trường Sinh... sẽ được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình MTQG kết hợp ngân sách địa phương.
Việc tiếp tục nâng cấp hệ thống chợ dân sinh sẽ giúp tạo ra hạ tầng thương mại đồng bộ, là nền tảng để kết nối sản xuất - tiêu thụ hàng hóa vùng cao hiệu quả hơn trong tương lai.
Thực tế tại Bắc Giang cho thấy, thị trường nông sản vùng cao rất rộng mở, nhưng để sản phẩm “đi xa và đi lâu”, nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân - với nền tảng là hệ sinh thái thương mại bền vững và hiện đại.
Trong Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang dành gần 110 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị cho các HTX, doanh nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và một số hộ không thuộc hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. |