Đồng Nai sắp có 'siêu dự án' Khu đô thị Hiệp Hòa hơn 3 tỷ USD
Ngày 28/3, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 479/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Hiệp Hòa, thuộc TP. Biên Hòa.
Biên Hòa là đô thị loại I thứ 2 của khu vực Đông Nam bộ, sau thành phố Vũng Tàu, được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận từ ngày 30/12/2015. |
Theo quyết định, dự án Khu đô thị Hiệp Hòa có diện tích 293ha, trong đó, diện tích đất ở chiếm hơn 84ha (tương đương 28,8%); đất cây xanh chiếm hơn 110ha; đất hỗn hợp gần 35ha; đất công trình dịch vụ công cộng hơn 14ha; đất giao thông 43ha và đất hạ tầng kỹ thuật 3,8ha.
Quy mô dân số dự kiến là 31.600 người. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng thành khu đô thị, đa dạng các loại hình nhà ở, kết hợp với trung tâm thương mại dịch vụ phục vụ du lịch, dịch vụ công cộng... hướng đến phát triển du lịch bền vững, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
Tổng vốn đầu tư của dự án Khu đô thị Hiệp Hòa là hơn 72.000 tỷ đồng (hơn 3 tỷ USD). Về tiến độ, dự án sẽ triển khai từ năm 2023 đến 2035 và phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn với 5 dự án thành phần.
Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt chủ trương đầu tư, UBND TP. Biên Hòa được giao chủ trì đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Biên Hòa là đô thị loại I thứ 2 của khu vực Đông Nam bộ, sau thành phố Vũng Tàu, được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận từ ngày 30/12/2015.
Mới đây, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP. Biên Hòa gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố, 30 đơn vị hành chính cấp phường/xã với diện tích hơn 26.407 ha.
Mục tiêu của việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch là chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc “đô thị công nghiệp” sang mô hình cấu trúc “đô thị dịch vụ và công nghiệp”; hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững.
Cụ thể, phát triển TP. Biên Hòa trở thành một trong các cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có vai trò quan trọng trong vùng đô thị TP.HCM; phát huy thế mạnh kết nối vùng và quốc tế về dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Tạo lập không gian đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng xã hội hiện đại, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố.
Hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa, lịch sử đặc trưng; đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng - an ninh của vùng và quốc gia.
Thanh Phong