Quốc hội thống nhất kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu
Quốc hội thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 476/479 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,58%. Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV nêu rõ, sau 19 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 3.
Với 95,58% đại biểu tham gia biểu quyết tán thanh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV |
Nghị quyết cho biết, sau khi xem xét các báo cáo về việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 từ ngày 15 tháng 8 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023.
Đồng thời, giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).
Trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu tại Báo cáo số 174/BC-CP ngày 11/5/2022, chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị gắn với trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Nghị quyết, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm ngày 15/8/2017 là 541.600 tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực tính đến 31/12/2021 là 251.300 tỷ đồng. Nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 chưa được xử lý đến ngày 31/12/2021 là 412.670 tỷ đồng.
Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380.200 tỷ đồng, bằng 47,9% số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017 và số nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết số 42 có hiệu lực.
Tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5.670 tỷ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3.250 tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ năm 2012 - 2017).
Hoàng Hà